419
category
446515

Tin giả làm hoang mang dư luận nhưng cái giá phải trả là quá rẻ

Diệp Vấn 05/11/2020 17:31

Trong khi toàn xã hội đang dốc lòng, chung sức phòng, chống thiên tai, bão lụt, dịch bệnh… gây ra, thì vẫn có một số người sử dụng mạng xã hội đưa những thông tin trái chiều, thật-giả lẫn lộn, gây nhiễu dư luận, thậm chí có những phản ứng không đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ. Một số tung tin thất thiệt về sức mạnh của những cơn bão, về tình hình cứu trợ đồng bào lũ lụt, nơi này có dịch, nơi kia có người mắc bệnh, nơi khác sắp có người tử vong do dịch bệnh… Những thông tin cẩu thả, võ đoán đó không những làm hoang mang dư luận, mà còn gây khó cho các cơ quan chức năng trong thực thi công vụ, giải quyết công việc chuyên môn.

Không chỉ bày tỏ thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm trong thời điểm xảy ra thiên tai, bão lụt, dịch bệnh hiện nay, mà trước đó, vào những lúc xã hội xảy ra những vụ việc “nóng” liên quan đến giải phóng đất đai, thực hiện chính sách đền bù cho người dân như ở Thủ Thiêm, Đồng Tâm… hay một vài “sự cố” liên quan đến an ninh trật tự xã hội ở Bình Dương, Bình Thuận…, một số cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo đã đưa ra những thông tin chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội không có lợi cho sự nghiệp chung, thậm chí đưa ra những ý kiến phản biện theo lối quy chụp, đổ lỗi cho chính quyền, cố ý lèo lái dư luận nghĩ theo hướng khác. Hành vi này vô hình trung tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thêm nguồn tin sai lệch để ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với kỷ nguyên công nghệ số lên ngôi, khi mạng xã hội trở thành “diễn đàn tự do” toàn cầu thì không ít người tự cho mình cái quyền ảo tưởng là “nhà báo công dân”, “diễn giả”, “nhà bình luận”, thậm chí cả cái gọi là “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà hoạt động vì nhân quyền”… Nếu lợi dụng tự do ngôn luận để gặp đâu nói đấy, nói cho hả dạ, nói cho sướng mồm, nói để câu view, câu like nhằm mục đích nhiều người biết đến để bán hàng online, hoặc muốn “nổi tiếng” theo kiểu “đốt đền” thì tự mình gánh chịu hậu quả. Thực tế cho thấy, thời gian qua có một số sự cố phát sinh, dịch bệnh, điểm nóng xảy ra trong đời sống xã hội, một số người hoặc là do thiếu thông tin, hoặc do ý đồ thiếu lành mạnh đã có những lời nói, phát ngôn, bình luận, chia sẻ sai trái, lệch lạc, thất thiệt trên mạng xã hội, vì thế đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự theo luật định.

Những lời đồn thổi, thêu dệt và thông tin giả mạo, bịa đặt trên các phương tiện truyền thông đại chúng về thiên tai, bão lụt, dịch bệnh cũng được xem như một loại “virus” nguy hiểm cho cộng đồng. Nhất là, khi kết nối internet phổ biến như hiện nay thì tác động của tin giả càng trở nên nghiêm trọng, bởi người dùng quá dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin không chính thống. Vì vậy, việc ngăn chặn tin giả rất cần sự chung tay từ phía cộng đồng, các ngành các cấp và nhân dân cả nước.

Trong bối cảnh thế giới nhiễu loạn nhiều nguồn thông tin, việc phối hợp chặt chẽ để bảo đảm có thể truyền bá thông tin quan trọng đến các cộng đồng và hạn chế tính độc hại của thông tin càng trở nên quan trọng. Đây không phải là hạn chế quyền tự do thông tin, mà trên thực tế là biện pháp cần thiết vì sự an toàn của chính người dân.

Thiết nghĩ việc quan trọng hiện nay đó là bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho xã hội.

Mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng. Trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt, người dân cần thông báo ngay cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện nay, pháp luật hiện hành có quy định rất rõ ràng, nghiêm minh về việc xử lý cá nhân tung tin đồn thất thiệt. Công an các địa phương cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý người tung tin thất thiệt về tình hình thiên tai, bão lụt, dịch bệnh; bảo đảm ANTT trong mọi tình huống phát sinh.

Diệp Vấn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều