Tiểu thương đập nát hoa: Vì sao ‘vùi dập hoa’ trước mắt khách du lịch?
Hoa có giá ban đầu từ vài trăm ngàn đồng/chậu bị người mua trả giá chỉ còn 5.000 đồng/chậu và hình ảnh tiểu thương đập nát hoa khiến bạn đọc tranh luận gay gắt.
Theo ghi nhận của PV tại công viên 23.9 (Q.1, TP.HCM) vào trưa 24.1 (30 tết), giá hoa liên tục bị người mua trả thấp, thậm chí từ vài trăm ngàn đồng/chậu lúc ban đầu chỉ còn 5.000 đồng/chậu vào lúc xế chiều; hoặc giảm một nửa so với giá ban đầu… Và tương tự như dịp tết mọi năm, lại xuất hiện cảnh một số tiểu thương đập nát hoa khiến nhiều bạn đọc cho rằng, người bán “trút giận” lên những cánh hoa vô tội vì giận không bán được với giá cao. Tuy vậy, một số bạn đọc cũng tỏ ra cảm thông với những tiểu thương “vùi dập hoa” vì công chăm sóc cả năm bỗng chốc như muối “bỏ biển”.
“Điệp khúc” đập phá
Trước hình ảnh gây nhiều ý kiến trái chiều nêu trên, bạn đọc (BĐ) Dương Thanh Châu (TP.HCM) cho rằng, hành vi đập bỏ những chậu hoa là hành vi phản cảm, cần phải lên án, nhất là khu có người nước ngoài. Ban quản lý chợ hoa nên khuyên (hoặc bắt buộc) họ (tiểu thương-PV) phải chở về, hoặc đem đi nơi vắng vẻ rồi hãy đập.
Đồng tình với ý kiến của BĐ Dương Thanh Châu, BĐ Thế Chinh (TP.HCM) nêu quan điểm: “Đề nghị có đập bỏ hoa kiểng đừng để cho thiên hạ nhìn là mình đập bỏ bởi đó còn là hình ảnh du lịch Việt Nam những ngày Tết đẹp; có mấy hình ảnh này làm xấu đi Tết trong mắt bạn bè quốc tế vào dịp này. Kinh doanh phải theo quy luật “thuận mua vừa bán”, giá cả rõ ràng. Hình ảnh này vài năm trước thấy đồng cảm. Nay thấy nó phản cảm nhiều hơn và thấy nhàm chán với điệp khúc đập phá này”.
“Nhìn những hình ảnh “đập bỏ hoa” các loại mà đau xót cho những người trồng hoa nếu chính họ đem ra chợ bán. Phần lớn người bán hoa là thương lái nên họ đã bán giá cao ngay từ đầu để bù lỗ cho phần hủy bỏ giờ chót, nếu có. Ai mua hoa giờ chót? Chỉ những người nghèo không có tiền phải mua hoa giá rẻ chớ họ không bỏ thời gian để chờ mua hoa hay xin xỏ đâu. Người mua hoa hay không mua hoa có ai cấm mà khi “bán ế” trách hờn người mua? Chính quyền có trách nhiệm gì trong sự việc đau lòng này xảy ra hằng năm chăng?”, BĐ Nguyễn Hoài Trân (Cần Thơ) viết.
Bao giờ hết “đánh đập hoa”?
Để tránh tái diễn hình ảnh này vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, BĐ Thế Đạt (TP.HCM) bày tỏ: “Không ủng hộ những người canh sát giờ xin hoa nhưng cũng đề nghị mấy người bán hoa bán đúng giá ngay từ khi khai mạc. Công sức bỏ ra trồng hay mua đi bán lại thì ai cũng muốn có lãi là chuyện không bàn cãi nhưng đồng tiền bỏ ra mua hoa thì cũng phải đắn đo vì đó cũng là công sức lao động của người mua, người bán. Nên thay đổi phương thức định giá và niêm yết giá rõ ràng để người tiêu dùng lựa chọn, tránh lặp lại cảnh này”.
Tuy vậy, cũng có ý kiến ủng hộ hành động “vùi dập hoa” của tiểu thương. “Dân đập hoa không thương tiếc chính là thương lái chính hiệu; chỉ làm đúng phương châm kinh doanh không tạo tiền lệ cho người mua muốn mua giá rẻ”, BĐ Nguyễn Phương (TP.HCM) viết. BĐ Nam Phan cũng ủng hộ quan điểm này: “Ngộ ghê! Người ta một năm trồng cây để bán vào cuối năm… Vậy mà có người vẫn muốn miễn phí giá rẻ… Có tiền thì mua không thì thôi!”.
Không đi sâu tranh luận vào việc hành động “vùi dập hoa” tại khu công viên 23.9, tọa lạc ngay trung tâm thành phố, BĐ Trịnh Cường chia sẻ: “Khổ cho người có trách nhiệm thu gom vệ sinh… Không đánh ai đó dù là bằng hoa… Tiếc bao công sức từ trồng, chăm, vận chuyển, bảo vệ… giờ thành rác. Bao giờ sẽ hết “đánh đập hoa?”.
Cứ để kinh tế thị trường điều tiết. Không thể vận hành bằng tình thương được.
Thanh (Cao Bằng)
Đập hoa trong sự tức giận người ko có lỗi người mua ko có tội. Hoa là của bạn bạn có quyền bán hay vứt, nhưng đừng tức giận đổ lỗi.
Quang Trung (Hà Nội)
Cái cảnh đập hoa ngày 30 tết sẽ vẫn diễn ra vào năm tới, năm tới nữa… Chừng nào giới bán hoa từ bỏ cái kiểu bán giá “chặt chém” thì mới chấm dứt. Gốc đào cách đây mấy ngày bán giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/gốc; trưa 30 bán 100.000 đồng/gốc đủ thấy “hét giá” như thế nào. Người tiêu dùng bây giờ đã tỉnh táo rồi, và không nhất thiết phải có hoa kiểng mới là tết.
Bao Công (TP.HCM)
Tường Vy/TNO