419
category
557146

Tiêu hủy 15 chú chó: Quyết định khó khăn

Nguyên Khánh 10/10/2021 15:42

Ngày 10/10, mạng xã hội xôn xao trước câu chuyện của vợ chồng anh Phạm Minh Hùng và hành trình về quê cùng đàn chó mèo hơn 15 con của anh chị. Nhiều người cảm thấy đau lòng, thương xót khi đàn chó đã bị tiêu hủy sau khi hai vợ chồng được xét nghiệm dương tính với SAR-CoV-2.

Đàn chó của vợ chồng anh H.

Được biết, vợ chồng anh Hùng là những người lao động bị kẹt lại tại TP.HCM trong những ngày giãn cách. Sau khi TP.HCM mở cửa, họ là một trong số những người lên xe máy trở về quê. Điều khác biệt là đồng hành cùng anh chị là 13 chú chó lớn nhỏ, những con vật mà họ yêu thương như người thân, người nhà. Trên đường đi, họ được cộng đồng mạng chú ý và chia sẻ câu chuyện của họ.

Oái ăm thay, khi về đến khu cách ly tại xã Khánh Hưng, Cà Mau, vợ chồng anh được lực lượng chống dịch cho xét nghiệm COVID-19 và ra kết quả dương tính, được đưa đi cách ly, điều trị tại bệnh viện. Tất nhiên, những chú chó không thể theo chủ đến khu vực cách ly.

Sự việc trở nên phức tạp khi vài ngày sau, người nhà của anh Hùng nhận được tin dữ rằng toàn bộ đàn chó đã bị lực lượng chức năng tiêu hủy. Dù rất đau khổ vì mất đi những vật nuôi mà anh chị yêu quý như con, anh Hùng cũng chấp nhận rằng đó là điều cần phải làm.

Điều đáng nói, khi câu chuyện về đàn chó của anh Hùng được lan tỏa, nhiều người đã tỏ ra bức xúc, giận dữ trước cách xử lý của những cán bộ, nhân viên chống dịch. Một số người thậm chí đã công kích, xúc phạm họ bằng những từ ngữ khó nghe, phản cảm. Họ chỉ trích rằng lực lượng chống dịch “tàn nhẫn, vô cảm”, “không biết yêu động vật”…

Liệu chính quyền địa phương đã quá vội vã khi đem toàn bộ đàn chó đi tiêu hủy? Nếu đứng trên hoàn cảnh của họ lúc đó, để đưa ra một quyết định “vẹn cả đôi đường” quả thật là rất khó. Chúng ta cũng biết, virus SARS-CoV-2 được phỏng đoán có nguồn gốc từ dơi, đồng nghĩa rằng con người không phải là vật chủ duy nhất của loài virus này. Hơn nữa, trên thế giới thực tế cũng đã xảy ra nhiều trường hợp vật nuôi là chó, mèo đã chết vì nhiễm COVID-19. Một số quốc gia như Úc, Đan Mạch cũng đã phải ra lệnh tiêu hủy một lượng lớn chó, chồn nâu vì lo ngại lây truyền dịch bệnh.

Chính quyền địa phương tại Úc đã phải tiêu hủy chó để tránh COVID-19 lây lan.
Đan Mạch tiêu hủy toàn bộ số chồn nâu để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Quay lại câu chuyện của đàn chó nhà anh Hùng, cần nhìn nhận thực tế địa phương đang tiếp nhận hàng trăm người dân hồi hương mỗi ngày. Áp lực cho lực lượng chống dịch vào thời điểm hiện tại không hề nhỏ, nay lại phải đối mặt với một tình huống “vô tiền khoáng hậu”. Họ vừa đưa đón người dân, vừa phải trông giữ các hàng chục chú chó có khả năng rất lớn là mang mầm bệnh COVID-19. Bởi lẽ, chính chủ nhân của chúng cũng đang phải đi điều trị cách ly. Một số chú chó đã tiếp xúc, liếm tay, chân người khác, khả năng lây nhiễm quả thật là không thể bỏ qua.

Và cuối cùng thì quyết định cũng phải được đưa ra, toàn bộ đàn chó bị đem đi tiêu hủy. Có lẽ, chính những người trực tiếp ra tay tiêu hủy là những người đau lòng nhất trong sự việc. Họ hiểu quá rõ những chú chó đó có ý nghĩa như thế nào với vợ chồng anh H., nhưng không còn cách nào khác… Vật nuôi thì không thể biết 5K là gì, không biết đến khái niệm đeo khẩu trang. Mà nuôi nhốt chúng nhiều ngày trong khi trăm công ngàn việc để bảo vệ sức khỏe con người thì còn đó. Hãy nhìn cái khó của những người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch để hiểu họ đã phải đấu tranh với chính mình như thế nào.

Suy cho cùng, tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất. Dù rất xót xa cho đàn chó, đòi hỏi một giải pháp trọn vẹn trước một tình huống chưa từng gặp là điều quá xa xỉ cho bất kỳ lực lượng chống dịch ở địa phương nào. Chỉ hy vọng rằng, câu chuyện này sẽ là lời nhắc nhở cho mọi người đang và sắp sửa lên đường hồi hương. Dù rất yêu thương động vật, khi đưa chúng đi cùng với mình trong hành trình nhiều bất trắc, chúng ta đang gây nguy hiểm cho chính những chú chó, chú mèo mà mình yêu thương.

Nguyên Khánh

Tags :
Đọc nhiều