Tiết lộ về đội trưởng biệt kích Ấn Độ thiệt mạng trong tranh chấp với TQ

25/09/2020 08:02

Khi lớn lên ở khu vực phía tây dãy Himalaya thuộc Ấn Độ, Tenzin Nyima mới biết rằng cả gia đình đã rời quê hương Tây Tạng để tới Ấn Độ xây dựng cuộc sống mới.

Binh sĩ Ấn Độ có mặt tại lễ tang Tenzin Nyima

Năm 1966, vài năm sau khi cuộc nổi dậy ở Tây Tạng thất bại, gia đình Tenzin Nyima cùng hàng ngàn người Tây Tạng khác sơ tán sang vùng Ladakh của Ấn Độ để tránh sự truy quét của quân đội Trung Quốc.

Nyima khi đó mới 3 tuổi, không hề biết rằng gia đình đã phải rời bỏ quê hương. Năm 1987, khi vừa tròn 18 tuổi, Nyima đến căn cứ quân đội Ấn Độ ở Leh, thủ phủ vùng Ladakh, xin gia nhập lực lượng biệt kích tinh nhuệ bao gồm toàn người Tây Trạng, hay còn được gọi là Lực lượng Tiền phương (SFF).

Hôm 30.8.2020, mẹ của Nyima, bà Dawa Palzom, 76 tuổi, nhận được cuộc điện thoại cuối cùng của con trai. Nyima, 51 tuổi, là đội trưởng lực lượng biệt kích SFF.

Nyima gọi điện về nhà ở Choglamsar thị trấn thuộc Leh: “Tình hình ở vùng ranh giới Trung-Ấn hết sức căng thẳng. Mọi chuyện đều có thể xảy ra”.

Nyima muốn nói chuyện với 3 người con, đứa trẻ nhất chỉ mới lên 5 và trò chuyện với vợ, nhưng không liên lạc được. “Nyima chỉ kịp gửi lời chào và mong mẹ hãy cầu nguyện cho mình và các đồng đội”, Tenzin Nyawo, 54 tuổi, anh trai của Nyima, nói.

Tenzin Nyima, 51 tuổi, đã có hơn 30 năm phục vụ trong hàng ngũ đặc nhiệm SFF.

Vài giờ sau, Nyima thiệt mạng khi một quả mìn phát nổ trong cuộc tuần tra của lực lượng SFF ở Chushul, phía nam hồ Pangong Tso, nơi xảy ra tranh chấp lãnh thổ Trung-Ấn. Một lính biệt kích khác tuần tra cùng Nyima khi đó may mắn chỉ bị thương.

Vào đêm trước cuộc điện thoại cuối cùng của Nyima, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã ẩu đả dữ dội ở Chushul. Trong đêm đó, binh sĩ Ấn Độ cùng biệt kích SFF đã chiếm được một số cao điểm chiến lược ở vùng tranh chấp.

“Ngày hôm sau, Nyima chỉ huy một toán biệt kích tuần tra, nhằm đảm bảo rằng binh sĩ Trung Quốc không bí mật xâm nhập”, Nyawo kể lại.

Lực lượng SFF được Ấn Độ thành lập ngay sau chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962. Lực lượng này hoạt động bí mật, từng tham gia chiến tranh với Pakistan năm 1971 và 1999. Ấn Độ luôn giữ kín hoạt động của lực lượng SFF.

Đó là lý do quân đội Ấn Độ không chính thức công bố cái chết của Nyima. Ram Madhav, lãnh đạo đảng cầm quyền Bharatiya Janata ở Ấn Độ, đồng minh thân cận của Thủ tướng Narendra Modi, đã có mặt tại lễ tang Nyima và đặt vòng hoa tưởng nhớ.

Tenzin Nyawo, 54 tuổi, anh trai của Nyima.

Trong lễ tang, quan tài được phủ quốc kỳ Ấn Độ cùng lá cờ sư tử tuyết của người ly khai Tây Tạng. Theo các nguồn tin, cộng đồng người ly khai Tây Tạng ở Ấn Độ ước tính có khoảng 85.000 người

Nyawo kể rằng gia đình sơ tán khỏi Tây Tạng năm 1966, đi bộ hai ngày trời qua con đường hiểm trở trên dãy Himalaya để tới Changthang, vùng Ladakh.

Gia đình sống ở Changthang trong hơn 2 thập kỷ trước khi chuyển đến Choglamsar – một trong 45 khu định cư của người tị nạn Tây Tạng ở Ấn Độ.

Người ly khai Tây Tạng phải nhập quốc tịch Ấn Độ nếu muốn được hưởng các quyền giống như công dân Ấn Độ, bao gồm làm việc trong chính phủ, sở hữu đất đai và tài sản ở Ấn Độ.

Để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, Nyima tình nguyện gia nhập lực lượng SFF khi tròn 18 tuổi.

Nyawo kể lại: “Cậu ấy biết gia đình không có tiền nuôi ăn học, gia nhập SFF giúp cậu ấy rèn luyện thể chất và có tiền trang trải cuộc sống”.

Nyima có 30 năm phục vụ trong hàng ngũ SFF, tham gia cuộc chiến với Pakistan ở vùng tranh chấp Kashmir năm 1999.

Nyima đã lên kế hoạch nghỉ hưu vào tháng 3.2021

Theo Nyawo, lực lượng SFF kể từ khi thành lập chưa bao giờ phải đối đầu với Trung Quốc, cho đến gần đây.

Hồi tháng 7, trong lần cuối cùng về thăm nhà, Nyima nói mình được điều động đến vùng biên giới tranh chấp với Trung Quốc và được yêu cầu giữ kín về nhiệm vụ.

“Cậu ấy nói nhiệm vụ lần này sẽ không giống như ở Kargil hay Bangladesh. Đây là lúc người Tây Tạng đối diện với đối thủ thực sự là Trung Quốc”, Nyawo kể lại.

Ở tuổi 51, Nyima không còn dẻo dai như xưa, nhưng kinh nghiệm là điều giữ chiến binh Tây Tạng này ở lại với lực lượng SFF. “Cậu ấy nói cuộc đối đầu lần này rất quan trọng, có thể không còn sống sót trở về “, Nwayo kể lại.

Đối với Nwayo, mất đi người em trai là tổn thất vô cùng lớn, nhất là khi Nyima đã có kế hoạch nghỉ hưu vào tháng 3 năm sau. “Cậu ấy từng rất vui vì sắp đến ngày dành trọn thời gian cho gia đình, sau 33 năm thường xuyên phải xa nhà”, Nwayo nói.

Nwayo biết cái chết của em trai đã giúp cộng đồng người ly khai Tây Tạng ở Ấn Độ được nhìn nhận đúng mực hơn.

Trong hàng chục năm, cộng đồng người ly khai Tây Tạng và lực  lượng biệt kích SFF gần như không được thế giới biết đến, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.

Đăng Nguyễn/DV

Đọc nhiều