Tiết lộ kho tên lửa đạn đạo đáng gờm của Iran

02/10/2019 18:01

Iran có lực lượng Không quân được xem là đáng gờm nhất khu vực, khiến cho Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia ở Trung Đông phải dè chừng.

Ngăn chặn mối đe dọa từ các đối thủ trong khu vực là lý do chính để Tehran đầu tư mạnh mẽ, phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo lớn nhất ở Trung Đông.

Chương trình tên lửa của Iran thực sự bắt đầu dưới thời Vua Shah, song được tăng tốc trong Chiến tranh Iran-Iraq. Mục đích là đe dọa Saddam Hussein bằng các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Iraq.

Kể từ thời điểm đó, Iran đã hợp tác với các nước như Libya, Triều Tiên và Trung Quốc để phát triển kho vũ khí tên lửa đạn đạo khổng lồ của mình. National Interest đề cập đến một số tên lửa mạnh nhất trong kho vũ khí của Iran.

Tên lửa đạn đạo Shahab

Xương sống của các lực lượng tên lửa của Iran là loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) chạy chủ yếu bằng nhiên liệu lỏng. Có 3 biến thể của loại tên lửa này: Shahab-1, Shahab-2 và Shahab-3. Shahab-1 là tên lửa đầu tiên mà Iran có được và phát triển dựa trên dòng Scud-B của Liên Xô.

Những tên lửa Shahab-1 đầu tiên mà Iran sở hữu được mua từ Libya và có thể cả Syria, nhưng về sau Triều Tiên đã trở thành nhà cung cấp chính. Shahab-1 có tầm bắn khoảng 330 km và có thể mang đầu đạn nặng khoảng 1.000 kg. Hiện Iran có thể đang sở hữu 300 tên lửa Shahab-1.

Sau đó, Iran đã mua được tên lửa Shahab-2 từ Triều Tiên. Tên lửa này phát triển dựa trên dòng Scud-C và có tầm bắn 500 km với khả năng mang đầu đạn lên đến 770 kg. Iran lần đầu tiên thử nghiệm Shahab-2 vào năm 1998, và đưa vào hoạt động từ năm 2004. Giống như Shahab-1, Shahab-2 là rất linh hoạt trong việc di chuyển.

Tiet lo kho ten lua dan dao dang gom cua Iran hinh anh 1
Shahab-2 (Nguồn: wikipedia).

Tuy nhiên, theo Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Iran, kinh nghiệm thực địa ở Iraq cho thấy những tên lửa này có xu hướng hoạt động trong bán kính khoảng 100 km. Iran có thể tự sản xuất Shahab-2, trong đó một số bộ phận phải nhập khẩu.

Nổi bật nhất là Shahab-3, tên đạn đạo tầm trung đầu tiên mà Iran có được, với tầm bắn có thể nằm trong khoảng từ 1.000-1.300 km, mang theo đầu đạn hạt nhân có trọng tải từ 760 đến 1.200 kg. Shahab-3 được sản xuất dựa trên tên lửa No Dong-1 của Triều Tiên.

Không giống như các biến thể Shahab khác, Shahab-3 là tên lửa hai tầng. Shahab-3 được thử nghiệm lần đầu vào năm 1998 nhưng không thành công và một số cuộc thử nghiệm sau đó cũng thất bại. Vì thế, đến năm 2003, Shahab-3 mới được đưa vào sử dụng.

Những phiên bản sau này của tên lửa đạn đạo Shahab kết hợp công nghệ Pakistan với hệ thống dẫn đường được cải thiện, có tầm bắn nâng lên khoảng 1.500-1.800 km, thậm chí lên đến 2.500 km.

Tên lửa đạn đạo Fateh

Giống như Shahab-1 và Shahab-2, Fateh-110 và Faeth-331 là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn một tầng và sử dụng bệ phóng di động trên đường bộ. Fateh-110 có tầm bắn 210 km và có mức chính xác cao hơn một số biến thể Shahab trước đó, với sai số mục tiêu (CEP) khoảng 100 mét.

Iran bắt đầu phát triển Fateh-110 vào năm 1995, lần thử nghiệm đầu tiên vào tháng 5/2001. Tên lửa này đã hoạt động vào năm 2004. Fateh-313 là phiên bản cải tiến của Fateh-110, có tầm bắn nâng cấp lên khoảng 500 km và các cải tiến về mức chính xác tương đối cao. Fateh-313 được đưa vào sử dụng vào năm 2015. Mỹ đã cáo buộc các công ty Trung Quốc hỗ trợ Iran phát triển loại tên lửa Fateh.

Tiet lo kho ten lua dan dao dang gom cua Iran hinh anh 2
Shahab-2 (Nguồn: wikipedia).

Năm ngoái, Iran tiết lộ một phiên bản mới của Fateh có tên gọi Zolfaghar, có tầm bắn khoảng 700 km. Zolfaghar được mô phỏng có hình dạng và kích thước tương tự như tên lửa Fateh-110, trong đó hệ thống dẫn đường đã được thiết kế lại, nằm sát mũi hơn. Điều này giúp giải phóng không gian cho một động cơ nhiên liệu rắn lớn hơn, nhưng ngược lại trọng lượng đầu đạn lại phải giảm xuống.

Hãng thông tấn nhà nước Iran Fars cho biết, Zolfaghar có khả năng mang nhiều đầu đạn phân hướng (MRV), song điều này dường như vượt quá khả năng của Iran hiện nay. Iran tuyên bố rằng họ đã sử dụng tên lửa Zolfaghar để tấn công Syria vào Chủ nhật tuần trước, nhưng tình báo Israel tin rằng đó thực sự là Shahab-3.

Tên lửa tầm trung Sejjil

Theo Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tên lửa Sejjil có kích thước, trọng lượng và tầm bắn tương tự như Shahab-3. Cụ thể, tên lửa Sejjil có tầm bắn 2.000 km, có thể mang đầu đạn hạt nhân với tải trọng lên tới 1,5 tấn.

Tiet lo kho ten lua dan dao dang gom cua Iran hinh anh 3
Shahab-2

Sejjil được bắt đầu phát triển vào cuối những năm 1990 và được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2008. Trong một cuộc thử nghiệm năm 2009, tên lửa đã bay được khoảng cách 1.900 km.

Mặc dù tên lửa Sejjil sử dụng thiết kế của Iran, nhưng một số nhà bình luận cho rằng tính năng của nó tương tự mẫu DF-11 và DF-15 của Trung Quốc. Iran đã tuyên bố rằng họ đã phát triển nhiều biến thể của tên lửa, trong đó có tên lửa Sejjil-3 mà theo một số nhà phân tích sẽ có tầm bắn tối đa lên đến 4.000 km.

Tên lửa chống hạm Khalij Fars

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Iran đã phát triển một tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm tấn công mục tiêu trên biển, đối phó quân đội Mỹ ở vịnh Ba Tư. Iran đặt tên cho tên lửa này là Khalij Fars (Vịnh Ba Tư).

Tiet lo kho ten lua dan dao dang gom cua Iran hinh anh 4
Khalij Fars

Phát triển dựa trên Fateh-110, Khalij Fars lần đầu tiên được thử nghiệm vào đầu năm 2011, trùng thời điểm Iran tuyên bố hoàn thành hệ thống radar tầm xa, có bán kính 1.100 km. Đồng thời, cuối năm 2011, Iran cũng tuyên bố tên lửa Khalij Fars đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Iran cho biết các cuộc thử nghiệm tên lửa Khalij Fars có tỷ lệ thành công là 100%

Theo phương tiện truyền thông Iran, tên lửa Khalij Fars siêu thanh, mang đầu đạn nặng 650 kg, miễn nhiễm với việc đánh chặn và được trang bị các hệ thống dẫn đường chính xác cao. Năm 2013, một tướng Iran từng tuyên bố: “Hôm nay, Iran đã sở hữu tên lửa có thể nghiền nát tàu chiến Mỹ, dễ như làm bẹp một chiếc vỏ lon và nhấn chìm chúng xuống nước biển”.

Đây hầu như không phải là một danh sách toàn diện về kho vũ khí tên lửa Iran. Tuy nhiên, nó cung cấp cho người đọc một cái nhìn cơ bản, tổng quan về một năng lực không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Tên lửa đạn đạo cũng là mũi nhọn quan trọng nhất trong chiến lược răn đe của Iran, khiến cho Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia ở Trung Đông như Syria luôn phải dè chừng.

Kông Anh/VTC News

Tags :
Đọc nhiều