Tiếp thu ý dân thực chất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong làm luật

15/05/2021 07:26

Đây là nguyện vọng của cử tri, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, gửi gắm đến đại biểu Quốc hội khóa XV trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
PGS.TS Nguyễn Văn Trình – nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua và các khóa trước, tôi quan sát thấy các đại biểu Quốc hội có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng xây dựng luật. Nhưng thực tế vẫn còn tình trạng hệ thống pháp luật chồng chéo, vênh nhau. Nhất là các luật về đất đai, kinh doanh, đầu tư… gây bức xúc, thiệt hại cho xã hội.

Vì vậy, theo tôi, đại biểu Quốc hội khóa XV cần tập trung điều chỉnh, xóa bỏ tồn tại trên. Nếu có thể, tôi mong Quốc hội khóa mới tập trung điều chỉnh dứt điểm trong vài khóa họp đầu tiên của Quốc hội.

Một trong số các biện pháp tôi cho rằng hữu hiệu là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào công tác rà soát, xây dựng luật. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp so sánh các quy phạm pháp luật trong hệ thống, báo động khi phát hiện dấu hiệu chồng chéo, chỏi nhau giữa các quy định. Từ đó người làm luật dễ dàng phát hiện, chỉnh sửa sớm và nhanh.

Tôi nghĩ đại biểu Quốc hội là những người làm luật nên sớm ứng dụng tiến bộ công nghệ mới vào quản lý, rà soát hệ thống pháp luật, hạn chế tình trạng “vênh, chỏi”, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật tương xứng với yêu cầu phát triển mới.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng luật khung, luật ống, luật “nằm trong phòng lạnh”, các đại biểu cần tăng cường thu nhận phản ảnh của người dân, tiếp dân đi vào thực chất chứ không phải là tiếp xúc đại cử tri, theo định kỳ.

Vì vậy Quốc hội nên cải tiến hoạt động, nên có thêm cơ chế để đại biểu gần dân hơn. Ít nhất là các tỉnh, thành cần bố trí nhiều hơn các phòng, văn phòng tiếp dân trên địa bàn, đến cấp phường xã để thuận tiện cho các đại biểu thay phiên nhau tiếp dân chứ không phải chỉ có một văn phòng chung như hiện nay.

Đương nhiên việc này đồng nghĩa với việc chi thêm chi phí cần thiết cho việc nâng chất hoạt động của đại biểu. Đồng thời việc này cũng đòi hỏi cần tăng cường số lượng hoạt động của đại biểu chuyên trách.

Khi các đại biểu am hiểu thực tiễn, am hiểu luật pháp và nắm rõ yêu cầu sát sườn ở địa phương, với đời sống người dân để đối chiếu với luật hiện hành thì việc xây dựng, ban hành pháp luật sẽ phù hợp.

Hi vọng các khóa Quốc hội càng về sau càng hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn về quá trình làm luật, quá trình tiếp xúc người dân, nắm rõ nguyện vọng thực sự của người dân.

THÁI AN

Đọc nhiều