Tiếng Piano đặc biệt trong bệnh viện 175
Tại sảnh Bệnh viện quân y 175, thấy không khí ảm đạm, gương mặt mỏi mệt của bệnh nhân, một anh bộ đội tiến đến cây piano giữa sảnh, bắt đầu dạo những nốt đầu tiên. Giai điệu bài “Tháng 4 là lời nói dối của em” vang lên. Tiếng nhạc du dương lập tức phá tan bầu không khí căng thẳng trong bệnh viện. Từ nhân viên y tế đến bệnh nhân đều bất ngờ khi nhận món quà từ anh bộ đội trẻ.
Phong không để ý khung cảnh xung quanh, chỉ tập trung thả mình trong giai điệu. Chơi liền 30 phút, dứt nhạc, anh mới ngỡ ngàng khi thấy nhiều người đang đứng quanh mình, lắng nghe say sưa. Cảm nhận được nụ cười sau lớp khẩu trang của mọi người, Phong lặng lẽ xách balo rời đi, không biết phần trình diễn ngẫu hứng của mình đã được một người quay lại.
Anh bộ đội trẻ chơi piano là binh nhất Tiêu Nghĩa Phong, 22 tuổi, học viên trường Trung cấp Biên phòng 2 (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Phong cho biết, anh bị chấn thương trong lúc tập luyện nên sáng 27/10 tới viện khám. Chợt thấy cây đàn piano đặt giữa sảnh đón tiếp bệnh nhân, nhìn mọi người xung quanh ai cũng mệt mỏi, ý nghĩ âm nhạc có thể khiến để con người thoải mái loé lên. Anh hỏi một nữ nhân viên bệnh viện đang đứng ở gần đó: “Cháu chơi đàn ở đây được không?”. Nhận được sự đồng ý, Phong tiến đến chiếc đàn.
Chưa đến một ngày sau, video clip Phong ngồi đánh đàn “gây bão” trên khắp các trang mạng xã hội với gần một triệu lượt chia sẻ. “Tôi chưa từng nghĩa việc chơi đàn lại được mọi người quan tâm đến thế”, chàng binh nhất nói.
Mẹ Phong, bà Hải Yến ở Khánh Hoà cũng bất ngờ khi thấy bạn bè tới tấp gửi tin nhắn hỏi “có phải con trai là người trong clip”. Không dùng mạng xã hội, bà Yến được hướng dẫn cách tải ứng dụng để xem. “Tôi không dám nghĩ trong lúc đau ốm con vẫn có thể chơi đàn”, mẹ Phong nói và cho biết con trai yêu thích âm nhạc từ khi còn bé.
Ngày học tiểu học, Phong đã tham gia vào đội nghi thức của trường, sớm tiếp xúc với các nhạc cụ kèn, trống, tình yêu âm nhạc cũng lớn dần. Ngoài kèn, guitar được học bài bản, piano, trống, organ, saxophone… anh mày mò tự học. Đến nay, anh chơi được 9 loại nhạc cụ khác nhau và tự sáng tác.
Phong từng là sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Đại học Nha Trang. Đang học năm thứ ba, anh xin bố mẹ cho nghỉ, đăng ký đi nghĩa vụ quân sự vào đầu năm 2021, sau đó được cử đi học tại Trường trung cấp Biên phòng 2. “Càng học tôi càng nhận ra ngành học quá khô khan mà khao khát được trở thành một người lính biên phòng giống bố càng lớn. Đó là lúc tôi phải thay đổi”, Phong kể.
Ngày nhập ngũ, anh mang theo cây đàn guitar. Ngoài những lúc tập luyện, sinh hoạt theo giờ giấc chung, mỗi lần có thời gian, Phong lại lấy giấy bút và bắt đầu sáng tác. Mỗi lần ra sản phẩm mới, anh lại quay clip để gửi gia đình và người yêu. Trên Facebook, anh lính trẻ cũng chia sẻ nhiều bản nhạc, bài hát với các loại nhạc cụ khác nhau khiến bạn bè thích thú. Biết binh nhất có tài lẻ, chỉ huy, đồng đội thường đề xuất anh đàn, hát trong giờ giải lao.
Trong thời gian tới, Nghĩa Phong sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện để có thể trở thành một người lính biên phòng giống bố. Bên cạnh đó, anh vẫn dành thời gian cho sở thích cá nhân. “Vui chơi nhưng không được quên nhiệm vụ”, chàng binh nhất tếu táo.
Sau hai ngày đăng tải, clip ghi lại hình ảnh Nghĩa Phong đánh đàn đã có gần hai triệu lượt người xem. Không ít người đã để lại lời khen ngợi, bày tỏ cảm xúc trước hình ảnh người lính trẻ thả hồn trên từng phím đàn.
“Tiếng đàn cất lên giữa bệnh viện nghe xúc động quá. Nghe mà lay động lòng người”, người dùng có tên Dương Ngân bình luận.
Thụy Ngọc