130115
topics
534361

Tiếng mõ làng lạc lõng của giới “dân chủ” trong đại dịch

Bảo An 20/07/2021 16:26

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, toàn bộ người dân Việt Nam đang chung tay cố gắng, nỗ lực để phòng, chống dịch bệnh. Vậy nhưng bên cạnh có, vẫn có một số tiếng nói lạc lõng của những kẻ tự xưng “nhà đấu tranh vì dân chủ” ra sức gây hoang mang dư luận, kích động tư tưởng hoài nghi, chống đối với chính quyền và đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng.

Như mọi lần, Việt Tân tiếp tục "đi đầu" trong những tiếng "mõ làng dân chủ" lạc lõng.
Như mọi lần, Việt Tân tiếp tục “đi đầu” trong những tiếng “mõ làng dân chủ” lạc lõng.

Chúng ta đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm ngày càng tăng. Cả nước đang căng mình để phòng, chống dịch bệnh, nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ. Dĩ nhiên, có không ít vấn đề khó khăn, bất tiện đã phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng hơn bao giờ hết, với tinh thần và trách nhiệm chung, cả cộng đồng đang cố gắng, nỗ lực từng ngày trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Ngược lại, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng xấu, chống đối đã tiến hành xuyên tạc, chống phá, khiến cộng đồng hoang mang. Các đối tượng tiến hành xuyên tạc với nhiều phương diện khác nhau. Trong đó, các luận điệu độc hại có thể kể đến như: “chính quyền chỉ biết ra lệnh phong toả mặc dân sống chết ra sao”, “chính quyền đang chặt đứt các chuỗi cung ứng khiến người dân lâm vào đường cùng”, “người dân đang bị bỏ rơi bởi chính quyền”, “chính quyền gia tăng xử phạt hành chính người dân trong mùa dịch để tận thu”…

Mục đích của các đối tượng này là kích động sự hoài nghi của người dân đối với công tác phòng, chống dịch; cổ suý các hành động bất tuân, chống đối lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiện nay; gieo rắc tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng; bôi nho, hạ bệ uy tín, vai trò lãnh đạo của chính quyền.

Bên cạnh các đối tượng “dân chủ”, thời gian vừa qua đã xuất hiện một số trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng tự cho mình là “chân lý”, lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân để phát ngôn một cách ngôn cuồng, sai trái, đi ngược lại thực tế trên mạng xã hội khi cho rằng “Đợt giãn cách này toàn là người dân tự tìm cách cung ứng thực phẩm, hỗ trợ nhau. Chứ chả thấy có sự hướng dẫn, điều tiết nào nó cụ thể, rõ ràng”. Cùng với đó, không ít đối tượng “sống ảo” trên mạng đã cố tình tung tin giả, tin thiếu kiểm chứng lên mạng xã hội để “câu like”, “câu view” tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm, nhận thức của cộng đồng.

Cần phải thống nhất một cách rõ ràng rằng mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh để chống phá đất nước, gây hoang mang dư luận đều là vi phạm pháp luật.

Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Không bao giờ có chuyện chính quyền “bỏ mặc” người dân, “ngăn sông cấm chợ”, để người dân “sống chết mặc bay” như những luận điệu độc hại đang được đưa ra.

Những luận điệu này đã dược các đối tượng xấu tung ra nhiều lần trước đó, như trong đợt thiên tai diễn ra tại nhiều địa phương hồi năm 2020. Khi đó, các đối tượng “dân chủ” cũng ráo riết rêu rao cho rằng “chỉ có người dân giúp nhau mà chẳng thấy chính quyền”. Ấy thế nhưng thực tế, chính quyền các cấp đâu bỏ mặc người dân nào? Tất cả mọi người đều được hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Đó là hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát, bộ đội ngâm mình trong nước lũ để đưa người dân đi di tản, hay xông pha vào con nước để đến với người dân ở rốn lũ. Đó còn là sự hỗ trợ về vật chất, tiền bạc để giúp người dân khắc phục sau lũ…

Trong đại dịch Cũng vậy, thời gian qua, chính quyền các cấp đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tiến hành sản xuất và vừa bảo đảm đời sống của người dân. Nhiều gói hỗ trợ người nghèo đã được Chính phủ và chính quyền các địa phương đưa ra. Đơn cử như TP.HCM, gói hỗ trợ có giá trị 886 tỉ đồng đã được đưa ra để hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 và phục vụ phòng, chống dịch. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Quyết định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng giá trị kinh phí là 26.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của ông André Gama, chuyên gia phụ trách chương trình về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam: “ILO rất vui mừng với việc Việt Nam đưa ra nghị quyết mới này. Trong thời điểm làn sóng COVID-19 mới vẫn đang tiếp tục diễn biến khó lường trên cả nước, chúng tôi cho rằng việc Chính phủ có thể hành động một cách nhanh chóng như vậy để hỗ trợ cả người lao động, gia đình họ và doanh nghiệp là một điểm sáng”.

Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn là điều chúng ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên, càng trong hoàn cảnh khó khăn thì càng phải nỗ lực đoàn kết, cố gắng để chung sức đánh thắng đại dịch. Những kẻ giả danh dân chủ, lợi dụng mạng xã hội để “chỉ tay năm ngón”, phán xét chính quyền chẳng giúp ích gì được cho đất nước, thực chất chỉ là những kẻ “ăn tàn phá hại”, chống phá chính quyền. Tất cả mọi người cần hết sức cẩn trong trước các luận điệu sai trái, độc hại được các đối tượng cố tình rêu rao, tránh trường hợp bị lợi dụng, trở thành người tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều