128036
category
349452

Tiền phạt do vi phạm giao thông về nồng độ cồn được dùng thế nào?

Hồng Anh 07/01/2020 18:41

Bộ Tài chính khẳng định tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn, phải nộp toàn bộ vào ngân sách, sử dụng theo luật định.

Bộ Tài chính vừa có phản hồi trước thông tin lực lượng công an được giữ lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính theo Thông tư 89/2007. Đây là thông tư được Bộ này ban hành hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.

Bộ này cho biết năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao, hỗ trợ các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là mua sắm trang bị, phương tiện đã ban hành thông tư nói trên.

Trong thông tư quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho các lực lượng, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông với các tỷ lệ cụ thể.

Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2013, Thông tư 89/2007 nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013 của Bộ Tài chính. Trong thông tư thay thế, tại khoản 5 Điều 4 có nêu: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào Ngân sách Nhà nước…”.

Bộ Tài chính khẳng định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Thông tư 153/2013 thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về Ngân sách.

Bộ Tài chính khẳng định toàn bộ tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, theo quy định tại Thông tư 01/2018 cũng của Bộ Tài chính có hướng dẫn giai đoạn 2018-2020, Bộ Công an lập dự toán chi đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tương ứng 30% nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT phần ngân sách trung ương được hưởng năm trước liền kề năm hiện hành.

Riêng năm 2018, địa phương sử dụng 70% số kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương từ nguồn xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông cho lực lượng công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn. Số tiền 30% còn lại được sử dụng cho các lực lượng khác của địa phương tham gia công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn theo quy định.

Theo Tiền Phong, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng cho biết tất cả số tiền lực lượng công an xử phạt đều nộp về Ngân sách Nhà nước và sẽ được phân bổ cụ thể giữa trung ương, địa phương theo quy định của luật pháp. Số tiền này được sử dụng vào việc mua sắm thiết bị hay sử dụng vào việc gì đều căn cứ vào danh mục cụ thể của Bộ Công an.

Trong khi đó, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT (Bộ Công an), cho biết năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản hơn 4,1 triệu lượt trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 2.764 tỷ đồng. Như vậy, theo Thông tư 01 của Bộ Tài chính, lực lượng công an có thể giữ lại khoảng 820 tỷ (30% số tiền xử phạt).

Số liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết năm 2018, lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý hơn 4,17 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 2.613 tỷ đồng. Với con số này, lực lượng công an có thể sẽ giữ lại có thể sẽ giữ lại 1.829 tỷ tương ứng với 70% số tiền xử phạt.

Cũng liên quan tới việc xử phạt lĩnh vực ATGT, Nghị định 100/2019 của Chính phủ mới có hiệu lực quy định tài xế sử dụng rượu, bia sẽ bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng.

Cục CSGT cho biết trong 2 ngày đầu ra quân xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn (1-2/1), lực lượng chức năng toàn quốc lập biên bản hơn 600, xử phạt số tiền trên 800 triệu đồng.

Đọc nhiều