130115
topics
535226

Tiến độ vắc xin sẽ quyết định mức độ phục hồi kinh tế

23/07/2021 08:01

Triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm nay phụ thuộc rất lớn vào tốc độ, quy mô tiêm chủng và các biện pháp chống dịch Covid-19 của chúng ta hiện nay.

Chuyên gia kinh tế vĩ mô Phạm Thế Anh nhận định, tốc độ bao phủ vắc xin không đồng đều giữa các quốc gia có thể dẫn tới sự phân hóa về tăng trưởng trong thập niên tới.

Trong quý 2, bức tranh kinh tế toàn cầu cho thấy những điểm sáng do sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Sự phục hồi ở các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp, Đức phụ thuộc vào tốc độ, tỷ lệ tiêm chủng trên diện rộng. Trung bình các nước Anh, Mỹ đạt 60% dân số đã tiêm vắc xin.

Vấn đề nóng cần quan tâm

Chỉ số tăng trưởng chưa phản ánh hết những khó khăn tương lai. Nền kinh tế đang phải đối mặt với sự đình trệ trong các hoạt động giao thương, đầu tư thương mại, hàng hoá ông Thế Anh nói.

 

Tiêm vắc xin tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (quận 11, TP.HCM) sáng 22/7.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, báo hiệu tổng cầu đang thu hẹp.

Vấn đề là, theo ông Thế Anh, Việt Nam đang đi sau về tốc độ cũng như tỷ lệ tiêm chủng vắc xin so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Điều này tạo không ít thách thức cho Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nửa cuối năm nay.

“Tương lai của nền kinh tế phụ thuộc vào một chiến lược vắc xin rõ ràng và hiệu quả ngay từ bây giờ”, ông cảnh báo.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng sẽ còn chịu tác động từ cách phòng, chống dịch.

Ông nói, hơn một năm qua chúng ta đã có những thành công bước đầu trong chống dịch, và chưa lường hết được những tác hại của dịch bệnh.

TP.HCM đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn như thiếu máy thở, thiết bị y tế, bệnh viện quá tải, các địa phương nhỏ khác với tiềm lực yếu hơn sẽ khó khăn ra sao tới đây?

Trong khi đó, nhiều địa phương đã tự đưa ra những biện pháp khá cực đoan khiến hàng hoá có nguy cơ đứt gãy. Quảng Ninh đã ra công văn người các tỉnh khác không được vào Quảng Ninh nếu không có giấy xét nghiệm PCR, kể cả những người đã tiêm 2 mũi vắc xin.

Hay chuyện hàng dài xe container vào Hải Phòng bị ùn tắc vì không có sự phân luồng lưu thông hàng hoá cho người vào cảng. Hình ảnh ùn tắc, chen chúc của người dân để khai báo y tế ở các chốt chặn từ tỉnh này sang tỉnh khác, ở các cửa ngõ đi vào thành phố cũng rất bất cập.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đồng tình khi cho rằng, triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm nay phụ thuộc rất lớn vào tốc độ, quy mô tiêm chủng.

Ông bổ sung thêm, sau liên tiếp các đợt dịch và các lần giãn cách xã hội, nguồn tích luỹ hiện nay của người dân và doanh nghiệp ngày càng mỏng, suy yếu và kiệt quệ. “Điều đó cho thấy trụ cột chính của nền kinh tế đang bị lung lay. Doanh nghiệp thì kiệt sức, thị trường chứng khoán trồi sụt rủi ro đầy tiềm ẩn… Đây là những vấn đề nóng cần quan tâm”, ông nói.

Dự báo 3 kịch bản

Covid-19 bắt đầu trở lại vào đầu tháng 5, cùng với các biện pháp kiểm soát đại dịch đã làm cho chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn kể từ sau đợt dịch lần thứ 3, khiến chỉ số PMI có xu hướng giảm trong quý 2, dừng ở mức 44,1 điểm vào tháng 6.

Tham khảo thêm

Với diễn biến của tình hình bệnh dịch hiện tại, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay so với các báo cáo trước đây. VEPR dự báo 3 kịch bản.

Với kịch bản cơ sở: Dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý 3, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 5,1%.

Với kịch bản thuận lợi: Dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8, việc tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng cả năm được dự báo ở mức 5,4 6,1%.

Với kịch bản bất lợi: Dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý 4, quá trình tiêm chủng vắc xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 4,0%.

VEPR đã đưa ra một số khuyến nghị.

Thứ nhất, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch. Các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

Thứ ba, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Lan Anh

 

Đọc nhiều