Thuỷ điện Rào Trăng 3 không phải của Tướng Nguyễn Văn Man
Anh vừa nằm xuống đã có một vài kẻ độc miệng nói, viết thế này thế khác. Hôm qua, khi biết cơ hội sống của anh không còn, tôi tìm hiểu để viết báo về anh.
Thiếu tướng Từ Hồng Sơn nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình điện cho tôi một cuộc rất dài khi nói về Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, đầu dây giọng tướng Sơn run run khác hẳn ngày thường. Anh bảo, thương xót Man quá cháu ơi! Anh em làm việc cùng nhau, ở với nhau, họp Thường vụ với nhau, chú biết Man là người thế nào, Man hiền lành nhưng khẳng khái, sao Man lại bị thế này, đau lòng khi nghe tin Man… Còn đêm trước, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra CAQB nhắn tin với tôi, anh cứ than và khẳng định: Man sẽ không việc gì đâu, nó hiền lành, đức độ, anh làm việc nhiều năm, quen biết nhiều năm nên anh biết. Khi tôi nhắn lại, chắc không còn cơ hội sống cho anh ấy nữa rồi. Đại tá Hiệu thả lại tin nhắn khóc và anh viết ngắn gọn: Mai mới biết chắc chắn…Rất xót xa nhưng trong tin nhắn anh vẫn mang nhiều hy vọng. Còn anh Nguyễn Hữu Hoài, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhắn tin cho tôi: Nghe tin Man nó mất, anh khóc mấy lần, đứt từng khúc ruột em ơi, đứa em hiền lành, nhiệt tình, luôn tươi cười…Nhiều lần họp Thường vụ, giải lao anh và Man nói với nhau bao chuyện…giờ nghĩ đến thấy thương quá…. Những người từng sống và làm việc nói về anh thế đó. Còn để hiểu rõ hơn về đời thường của anh thì đọc thêm bài viết của nhà báo Dương Minh Phong:
“Thủy điện ông Man?
Nó xuất phát từ việc tìm kiếm chủ sở hữu của thủy điện Rào Trăng 3 thì ra công ty cổ phần tư vấn xây dựng Trường Sơn đóng trên đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình. Và báo chí đã đăng ông Man ngụ phường Nam Lý nên người ta suy diễn rằng giám đốc của công ty tư vấn Trường Sơn là Nguyễn Đại Lợi, hàng xóm của ông Nguyễn Văn Man, có bà con họ hàng. Rồi người ta luận bậy địa chỉ của công ty Trường Sơn trùng với địa chỉ nhà ông Man nữa.
Mình cùng đồng nghiệp Tiền Phong đi xác minh thì Nguyễn Đại Lợi chả bà con họ hàng chi với tướng Man. Nguyễn Đại Lợi quê huyện Quảng Ninh, ông Man quê gốc Thuận Lý, nay là Nam Lý, Đồng Hới. Còn nhà ông Man nằm trong một con hẻm nhỏ và cụt. Bố mẹ ông sinh ra 6 anh em, ông Man là con út được cho ăn học và đi lính, trưởng thành từ lính tham mưu tác chiến. Các anh của ông ấy làm việc ở quê nhà, không ai liên quan đến bất cứ làm ăn với thủy điện nào. Họ bán cháo canh ban sáng, buôn bán nhỏ ở chợ. Vợ ông Man thì không việc làm, ở nhà nuôi mẹ già, một người vợ tần tảo, không biết đi xe máy, suốt đời đi xe đạp. Ông Man là con út nên ở nhà hương hỏa ông bà, hồi ông chưa lên tướng thì làm ăn nhà 2 tầng, đất không lớn, có sân đỗ ô tô sâu trong hẻm cụt. Không hay là mấy ông anh cứ biếu góp làm cái cổng cho bệ vệ để giờ trên mạng nói là giàu nứt đố, giàu ấy là từ thủy điện.
Ông làm quân đội, hàng thường vụ tỉnh ủy, chỉ huy trưởng, rồi phó tư lệnh quân khu 4, lên tướng thừa sức soạn việc cho vợ, thừa sức xin việc cho con cháu, nhưng cả đằng nội và đằng ngoại thì chỉ 1 đứa cháu vào quân ngũ do tự lực cánh sinh.
Thông tin tôi có được về cổ phần sở hữu thủy điện Rào Trăng 3 là: Nguyễn Đại Lợi: 13%, Dương Văn Khởi: 2%; Võ Như Hiển: 10%; Đỗ Thanh Lâm: 5%. Còn lại cổ đông chính là Lê Văn Hoa người Hà Tĩnh có công ty đóng ở Huế. Thật ra trước năm 2011 ông Lợi cổ đông chính ở Rào Trăng 3. Sau đó bán cổ phần, còn 13%. Từ 2012 đã đổi tên thành Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 có trụ sở tại TP Huế rồi. Tìm hiểu thêm thì giữa ông Man và ông Lợi chưa bao giờ giao thiệp với nhau. Vậy nên nói ông Man vào đó là do thủy điện người nhà là sai quá sai.
Câu nói ông nói với QK4 khi vào đó là: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ từng phút, dù khó khăn thế nào thì cũng đi, dù có hy sinh”. Trong trận lũ vừa rồi, ông có mặt từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và mất ở đường vào nắm thông tin 17 công nhân bị sạt lở và ông qua đời, đoàn đi có máy truyền tin nhưng bị vùi lấp. Phía trên là bức hình ông chỉ đạo giải cứu 1000 khách mắc kẹt ở ga Lệ Sơn trong lũ lịch sử 2016 ở sông Gianh, Quảng Bình. Nhìn bức hình để biết ông là tướng trận chứ không phải lèm bèm. Dân dọc sông Gianh được ông chỉ huy cứu hàng ngàn người sống trong các trận lũ càn không ai không biết tướng Man. Không đăng hình nhà ông được là vì bộ đội đến dọn dẹp tổ chức lễ tang”.
Đại tá Hoàng Xuân Vĩnh, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình là người có thời gian kề cận nhiều năm cùng tướng Man, nhất là giai đoạn tướng Man đang là chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Ông Vĩnh mấy hôm nay rất bàng hoàng về tin ông Man mất tích trong trận sạt lở. Ông chia sẻ: “Xót xa bao nhiêu thì những ký ức về người đồng đội lại hiện về rõ bấy nhiêu”.
Đại tá Vĩnh kể vừa qua tỉnh Quảng Bình có tổ chức đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh vào ngày 13/10. Tối 12/10, ông Vĩnh gọi điện cho tướng Man hỏi có về dự được với tỉnh không: “Thời điểm đó vụ sạt lở khiến nhiều người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 vừa xảy ra, nên anh Man chỉ nói không về được vì đang trên đường vào cứu hộ những người bị sạt lở. Không ngờ đó là cuộc gọi cuối cùng”.
Trước khi ra Quân khu 4 làm phó tư lệnh vào tháng 5/2019, ông Man có nhiều năm gắn bó với Quảng Bình. Những người lính ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình chưa quên hình ảnh vị chỉ huy trưởng luôn xông pha vào lũ lụt, bão gió chỉ huy anh em chiến sỹ cứu dân. Ông Vĩnh kể đợt lũ năm 2016, ông Man đang dự lớp bồi dưỡng chính trị ở Hà Nội nhưng đã tạm hoãn việc học để về Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo ứng phó mưa lũ. Vừa về Quảng Bình, ông đã lên ngay canô vào vùng rốn lũ Tân Hóa để chỉ đạo cán bộ chiến sỹ hỗ trợ dân chống lũ. Những cán bộ chiến sỹ ở đơn vị này vẫn còn nhớ có lần trên đỉnh lũ ở Tuyên Hóa, ông Man cứ khăng khăng ở lại dù đã quần quật với dân suốt hai ngày chưa về nhà. Đây chính là lý do ông Vĩnh không bất ngờ khi ông Man chọn đi vào khu vực sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 ngay trong đêm.
Từ những sự việc trên, có thấy thấy rằng Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là người chính trực, hết lòng vì dân vì nước. Chính vì vậy ông luôn nhận được sự yêu quý của người dân, anh em đồng chí, đồng đội. Thế nên, đừng bao giờ gán ghép ông với nhà máy thủy điện Rào Trăng 3.
Dương Sông Lam