128036
category
428302

Thượng tôn pháp luật và chính sách nhân đạo

09/09/2020 19:09

Việc Viện Kiểm sát công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, trong đó có việc thay đổi quan điểm truy tố, thay đổi tội danh từ ‘Giết người’ sang ‘Chống người thi hành công vụ’ đối với 19 bị cáo trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng 9-1-2020 tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thể hiện rõ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho các bị cáo biết ăn năn, hối lỗi và thực tâm phục thiện có cơ hội làm lại cuộc đời, cải tạo để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội…

Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội

Ngày thứ ba của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra sáng 9-1-2020 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, căn cứ hành vi phạm tội, thái độ hợp tác tại cơ quan điều tra, đặc biệt là mức độ thành khẩn của các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo.

Các bị cáo tại tòa

Theo cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 ngày 24-6-2020 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, 29 bị cáo bị truy tố trong vụ án này đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Trong đó, 25 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm a, d, n, o – Bộ luật Hình sự năm 2015; nhóm chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội được xác định là: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức.

Bốn bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330, khoản 2, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo, theo cáo trạng, đã khiến 3 cán bộ, chiến sĩ công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân bị rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình (đối tượng đã chết, nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý theo các quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự) tử vong do ngạt khí và bị thiêu cháy.

Tại phiên tòa, ở phần thẩm vấn, xét hỏi, các bị cáo đều thể hiện sự ăn năn, hối hận, mong 3 gia đình có người hy sinh tha thứ.

Bị cáo Bùi Viết Hiểu thừa nhận đã cùng Lê Đình Kình lập “Tổ đồng thuận”, đồng thời khai, bị cáo cảm thấy mệt mỏi nhưng bị Lê Đình Kình nói “đâm lao phải theo lao” nên tiếp tục lún sâu vào hành vi phạm pháp;. Bị cáo Lê Đình Công – một trong những người cầm đầu vụ việc thừa nhận có hành vi sai phạm, chống đối lại cơ quan chức năng tại xã Đồng Tâm rạng sáng 9-1 và “thành thật xin lỗi 3 gia đình có người hy sinh, mong 3 gia đình hết sức tha thứ”.

Tương tự, hai bị cáo Lê Đình Chức và Nguyễn Văn Tuyển cũng thừa nhận hành vi phạm tội và xin được hưởng hình phạt nhẹ nhất, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn… Trước người thân các chiến sĩ công an hy sinh, bị cáo Lê Đình Chức muốn khai rõ ràng để lương tâm thanh thản.

Cũng tại phiên tòa, các bị cáo: Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Trần Thị La, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều… đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, xin Hội đồng xét xử xem xét, khoan hồng.

Nhóm 4 bị cáo Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng, bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, đều thừa nhận hành vi của mình là sai, mong được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt…

Ngày 9-9, trước khi bước vào tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo, gồm: Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Thị Nối, Trần Thị La, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung từ tội “Giết người” (Điều 123 – Bộ luật Hình sự năm 2015) sang tội “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330 – Bộ luật Hình sự năm 2015).

Đối với nhóm 6 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên tội danh “Giết người” như cáo trạng đã truy tố.

Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra đề nghị mức án đối với 29 bị cáo.

Với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 2 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình; Lê Đình Doanh mức án tù chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức án 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển mức án 14-16 năm tù.

Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân mức 6-7 năm tù; Bùi Văn Tiến mức 5-6 năm tù; các bị cáo: Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối mức 4-5 năm tù; các bị cáo: Bùi Thị Đục, Bùi Văn Tuấn, Trần Thị La, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Xuân Điều mức 3-4 năm tù; các bị cáo: Nguyễn Thị Lụa mức 2 năm 6 tháng – 3 năm tù; Mai Thị Phần, Bùi Văn Niên mức 2 năm – 2 năm 6 tháng tù; Lê Thị Loan mức 2 năm 6 tháng – 3 năm tù treo; Đào Thị Kim mức 2 năm – 2 năm 6 tháng tù treo; Nguyễn Văn Trung mức 18-24 tháng tù treo; các bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng mức 15-18 tháng tù treo.

Chính sách khoan hồng của pháp luật tạo cơ hội cho các bị cáo thực tâm phục thiện

Theo đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, nhóm 19 bị cáo (được đề nghị thay đổi tội danh) đã tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện, các loại hung khí nguy hiểm, hoạt động theo sự phân công của Lê Đình Kình và Lê Đình Công. Hành vi của 19 bị cáo này đều đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác về tội “Giết người” như cáo trạng đã truy tố là có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và lời khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy: Hầu hết bị cáo là nông dân bị Lê Đình Kình, Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu lôi kéo và kích động nhằm thực hiện những hành vi phạm pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an tại địa phương. Cũng do bị lôi kéo, kích động nên từng bị cáo đã tham gia thực hiện tội phạm ở từng giai đoạn với mức độ nhất định. Tuy nhiên, các bị cáo phạm tội lỗi gián tiếp nên được đề nghị áp dụng tội danh nhẹ hơn.

Do vậy, Viện Kiểm sát đã vận dụng chính sách pháp luật hình sự, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo. Việc Viện Kiểm sát vận dụng chính sách pháp luật, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước đối với những người phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… để chuyển tội danh nhẹ hơn cho các bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời đã thể hiện rõ chính sách nhân đạo, nhân văn của pháp luật. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn mang tính giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa tội phạm trong xã hội.

Theo dõi sát sao diễn biến phiên tòa được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Đỗ Xuân Thảo, Tổ dân phố 20, phường Giang Biên, quận Long Biên, chia sẻ: “Pháp luật nghiêm minh, nhưng luôn khoan hồng đối với những người phạm tội biết ăn năn, hối cải. Tôi nghĩ Viện kiểm sát đã cân nhắc kỹ, lượng hình trên cơ sở thái độ thành khẩn và thực tế khai báo của các bị cáo mới đưa ra quyết định thay đổi tội danh. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho những người này làm lại cuộc đời…”.

Ông Nguyễn Duy Hiếu, khu đô thị Eco City, đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, đánh giá: Mọi công dân đều phải chấp hành pháp luật, nếu vi phạm phải chịu hình phạt tương ứng với tội lỗi mà mình gây ra. Việc thay đổi tội danh đối với 19 bị cáo là minh chứng thuyết phục cho tính ưu việt của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Đây là thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng cũng rất nhân văn. Không ai có thể đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Nhưng người lỡ phạm tội mà biết ăn năn, hối cải sẵn sàng làm lại cuộc đời, họ đều có cơ hội được xem xét và hưởng khoan hồng!

Tuấn Anh/HNM

Đọc nhiều