28
category
428047

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Người Việt gửi tro cốt ở chùa vì 3 lí do này

09/09/2020 09:39

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc người Việt gửi tro cốt ở chùa rồi tới thăm nom, thắp nhang có ý nghĩa nhiều mặt. Nhưng theo Thượng tọa cách báo hiếu cha mẹ tốt nhất là khi cha mẹ còn sống chứ không phải qua các hình thức phụng táng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng gửi tro cốt người thân ở chùa là xu thế tất yêu /// Ảnh: T.H
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng gửi tro cốt người thân ở chùa là xu thế tất yêu

Vì nhiều lý do mà ngày nay, nhiều người Việt chọn gửi tro cốt người thân ở chùa. Nhưng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM kiêm trụ trù chùa Giác Ngộ (TP.HCM) có 3 lý do chính đáng.

Đầu tiên, theo các quy định hiện hành, khu nghĩa trang phải nằm xa trung tâm, trong khi ở các phường, xã hầu như đều có chùa. Do vậy việc gửi tro cốt ở chùa gần nhà tạo điều kiện đi thăm viếng thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho con cháu.

Thứ hai, gửi tro cốt người thân ở chùa thì việc đi thăm tro cốt sẽ đơn giản hơn nhiều so với đi thăm mộ táng ở nghĩa trang.

Mục đích thứ ba, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, chùa là nơi tu học, khi đến thăm tro cốt, con cháu có được cơ hội viếng chùa, có thể ngồi lại một thời gian nhất định để hỏi thăm các nhà sư, được hướng dẫn, tư vấn cho những điều họ muốn biết trong cuộc đời, nhất là chuyện vượt qua những bế tắc, trở ngại.

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Người Việt gửi tro cốt ở chùa vì 3 lí do này - ảnh 1
Gửi tro cốt người thân ở chùa làlựa chọn chính đáng, có ý nghĩa

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói: “Ba mục đích này làm cho việc con cháu quyết định gửi cốt tại chùa là lựa chọn chính đáng, có ý nghĩa. Còn quan niệm gửi tro cốt người thân ở chùa để các hương linh nghe kinh được siêu thoát là nhận thức trong dân gian lâu đời”.

Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM phân tích, theo Đức Phật, trễ nhất là ngày 49 từ khi mất, tất cả người qua đời được tái sinh. Còn theo Phật giáo nguyên thủy, nếu cuộc sống chuẩn mực về đạo đức đạt được mức trung bình thì chỉ tích tắc ngay khi qua đời là người mất đã được tái sinh làm người.

“Như vậy, sau khi người thân qua đời qua sau 49 ngày thì tất cả đều tái sinh hết rồi, đâu còn ngồi đó để nghe kinh ở chùa. Nhưng việc để trong chùa thì có nhiều thuận lợi cho người thân đi thăm viếng. Thay vì đến nghĩa trang thấy toàn khung cảnh tang tóc, nay đến chùa thăm tro cốt người thân, thì còn còn có Phật, có các nhà sư, bạn đồng tu giúp người đi viếng chùa dừng lại ngồi thiền tĩnh tâm, đọc vài trang kinh mở trí tuệ. Gửi tro cốt ở chùa là xu thế tất yếu có ý nghĩa”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhận định.

Gửi tro cốt ở chùa bao lâu?

Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ, thông thường về nguyện vọng khi con cháu quyết định gửi tro cốt ông bà cha mẹ tại chùa thường muốn gửi cố định, chỉ một số ít muốn di dời vì các lý do như: đi làm ăn xa hay định cư nước ngoài thì mới xin tro cốt về để chuyển đến nơi khác.

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Người Việt gửi tro cốt ở chùa vì 3 lí do này - ảnh 2
Thượng tọa Thích Nhật Từ

Ở Việt Nam có hơn 18.000 ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa tiếp nhận gửi tro cốt của người dân. Do vậy, có thể đến một thời điểm, có chùa sẽ bị hết chỗ để. Nhưng Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng không nên quá lo lắng vì, khi chùa này hết chỗ để cốt thì sẽ có chùa khác làm tiếp các công việc đó.

Vị Thượng tọa cũng cho biết, trong thực tế, có những người sau vài chục năm gửi tro cốt người thân ở chùa đã đến chùa để phối hợp nhà chùa thủy táng với nghi thức cầu siêu. Thậm chí, nhiều gia đình vừa gửi tro cốt vài năm đã tới chùa chủ động yêu cầu thủy táng.

Báo hiếu ông bà, cha mẹ thế nào?

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, đối với những người con thảo cháu hiền, sau khi để cốt tại chùa, mỗi năm họ đến thăm cả chục lần vào những ngày lễ lớn như: tết, rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng bảy, rằm tháng mười, ngày giỗ, ngày thanh minh. Hoặc có những người đến thăm nom mỗi tuần như một cách báo hiếu cha mẹ đã qua đời.

“Cách báo hiếu này thể hiện tình cảm cao quý và cần thiết vì con cái của họ nhìn thấy họ hiếu kính với ông bà tổ tiên sẽ hiếu thảo với họ ngay lúc họ đang còn sống đó là truyền thống nối tiếp thế hệ này sang thế hệ khác trong một gia đình”, Thượng tọa chia sẻ.

Nói về chữ hiếu và cách báo hiếu với ông bà, cha mẹ, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói, Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử dạy rằng cha mẹ như hai vị Phật ở trong nhà, ở đoạn khác, Đức Phật nói hãy thờ cha mẹ như thờ Thần Lửa. Từ đó, Đức Phật triển khai ra nhắc chúng ta có thể báo hiếu cha mẹ trên 4 phương diện.

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Người Việt gửi tro cốt ở chùa vì 3 lí do này - ảnh 3
Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh, chúng ta cần báo hiếu khi cha mẹ còn hiện tiền

Vị Thượng tọa phân tích, về vật chất, chúng ta nên trích tiền lương phụng dưỡng cha mẹ, dù cha mẹ đủ tiền hay giàu thì việc của con cháu vẫn là phải phụng dưỡng; về đạo đức, chúng ta phải trở thành con ngoan trò giỏi, người thành đạt, không phạm pháp; về phương diện tinh thần, chúng ta có thể trở thành Phật tử từ nhỏ, sống đời thanh cao; sau cùng là về phương diện Phật pháp, nếu cha mẹ chưa là Phật tử thì con cháu trong nhà phải khéo léo dẫn dắt cha mẹ trở thành Phật tử để vượt qua các bệnh ở tuổi già để già không sinh tật, sống đời an lạc, hạnh phúc.

Trong đó, Đức Phật nhấn mạnh đến việc phụng dưỡng cho người sống. Còn thờ cúng người chết là tập tục nghìn đời, uống nước nhớ nguồn, đạo Phật khích lệ và tôn trọng truyền thống cao quý này.

“Đừng nên ngộ nhận chỉ nên báo hiếu cha mẹ qua các hình thức phụng táng mà quan trọng hơn, có ý nghĩa, giá trị hơn là báo hiếu khi cha mẹ còn hiện tiền”, Thượng tọa Thích Nhật Từ đưa ra lời khuyên.

Một chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo tại TP.HCM cũng cho biết, đối với người đã chết, tục lệ của Việt Nam là địa táng (hay còn gọi thổ táng). Nhưng ngày nay giá đất cao, hoa viên chôn cất cũng đắt tiền nên người dân dần chuyển sang hỏa táng, sau đó gửi ít tro cốt ở chùa.

Vị chuyên gia nhận định đây là xu hướng văn minh. Sau hỏa táng, một số người còn thực hiện hình thức thạch táng, tức là lấy một ít tro cốt của người thân làm thành những mảnh đá như pha lê. Với hình thức này, các gia đình có thể gửi tiếp ở chùa hoặc mang về nhà thờ cúng.

“Một hình thức nữa là thủy táng sau thời gian gửi chùa, có người sẽ chọn con sông gắn liền với cuộc đời, quê hương để cát bụi trở về cát bụi, hòa mình vào thiên nhiên. Nhưng cũng có những người muốn gửi tro cốt ở chùa vĩnh viễn, tùy vào nguyện vọng của mỗi gia đình chứ không có sự thống nhất hay lời khuyên rằng nên gửi bao lâu”, chuyên gia nghiên cứu tôn giáo chia sẻ.

(Theo TNO)

Tags :
Đọc nhiều