Thượng nghị sỹ Mỹ và phiên điều trần vớ vẩn!
Hôm 17/11 vừa qua, Mark Zuckerberg – CEO của Facebook cùng với Jack Dorsey, CEO của Twitter phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vì những cáo buộc kiểm duyệt, trong đó có cả nội dung liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Một loạt ông lớn mạng xã hội tại Mỹ đã có phiên điều trần trước Uỷ ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ.
Phiên điều trần này có tên “Tin nóng: Kiểm duyệt, bãi bỏ và cuộc bầu cử 2020”, được triệu tập gấp sau khi có những dấu hiệu hai mạng xã hội này đã “kìm hãm” một số thông tin liên quan tới bầu cử để tạo ra sự thiên vị.
Buổi điều trần bắt đầu với việc những người đứng đầu Facebook và Twitter bị chất vấn vì đã hạn chế một bài viết trên báo New York Post đưa tin liên quan đến con trai của ông Joe Biden mặc dù bài viết này không chứa thông tin nào được chứng minh chắc chắn là sai. Tuy nhiên, các Giám đốc điều hành, Jack Dorsey của Twitter và Mark Zuckerberg của Facebook, đã bảo vệ các phương pháp kiểm duyệt nội dung của họ.
Tuy nhiên, cái muốn nói ở đây là việc có một bà nghị sỹ, tên là Marsha Blackburn, đã chất vấn ông chủ facebook những vấn đề có liên quan tới Việt Nam, điều mà khiến mấy anh chị dân chủ đang xôn xao vui mừng những ngày qua.
Cụ thể, bà Blackburn đã hỏi rằng liệu Facebook có thường xuyên kiểm duyệt tài khoản của người sử dụng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài hay không.
“Tôi không chắc liệu có điều gì cụ thể mà ngài đang đề cập đến hay không, nhưng nói chung chúng tôi không kiểm duyệt”, người sáng lập Facebook trả lời.
Đề cập trực tiếp đến “chế độ Cộng sản” và số lượng 60 triệu người sử dụng Facebook tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Blackburn tiếp tục đặt câu hỏi cho Zuckerberg rằng liệu Facebook có “theo lệnh của chính phủ Việt Nam”, đóng cửa và cấm tài khoản của một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam chỉ vì người này chỉ trích chính sách đất đai của chính phủ hay không?
“Thưa Thượng nghị sĩ, tôi không rõ tất cả chi tiết của việc đó, nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể đã làm điều đó. Và nói chung, chúng tôi cố gắng tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia khác nhau mà chúng tôi đang hoạt động”, Mark Zuckerberg trả lời.
Thượng nghị sĩ Blackburn cũng cáo buộc người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã ưu tiên “lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.
Bà Blackburn chỉ ra hàng loạt các dẫn chứng cho thấy Facebook “cúi mình trước các chính phủ Cộng sản và độc tài” như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc…
Và đó chính là lý do đám dân chủ đang nhảy cẫng lên, nói rằng “Việt Nam đẹp mặt chưa”, được bêu tên kia kìa… đại loại như thế.
Thật nực cười!
Trước hết, nói về các câu hỏi của bà nghị sỹ, theo dõi phiên chất vấn cho thấy những câu hỏi này hoàn toàn là áp đặt, nói cách khác là hỏi theo kiểu khẳng định, áp đặt luôn rằng “Việt Nam đã đóng cửa và cấm tài khoản của một nhà bất đồng chính kiến”, rồi yêu cầu Mark trả lời có hoặc không!? Khi Mark muốn giải thích thì chặn họng, nói luôn rằng “Có”!? Lần đầu tiên tôi thấy kiểu chất vấn nhét chữ vào mồm người khác như vậy. Có đúng bà này là nghị sỹ của một nước dân chủ như Mỹ không!? Làm gì có ai bất đồng chính kiến ở Việt Nam, chỉ có một số ít kẻ chống phá nhà nước vi phạm pháp luật Việt Nam, mắc mớ gì đến Mỹ. Việt Nam cũng chẳng yêu cầu Facebook khóa tài khoản của ai bất đồng chính kiến cả (Phạm Đoan Trang bị bắt tài khoản vẫn còn đó, Phạm Thanh Nghiên, Hoàng Dũng, Nguyễn Lân Thắng suốt ngày chửi bậy đã bị xử lý đâu…).
Thứ hai, bà này quên mất rằng, ở Mỹ, Facebook và Twitter đang kiểm duyệt hết sức gắt gao các tài khoản mạng xã hội trong bối cảnh bầu cử. Không đâu xa, tại phiên điều trần này, các nghị sỹ khác đã luận tội Facebook và Twitter vì đã hạn chế một bài viết trên báo New York Post đưa tin liên quan đến con trai của ông Joe Biden mặc dù bài viết này không chứa thông tin nào được chứng minh chắc chắn là sai; đã để cho những thông tin sai sự thật liên quan tới việc bỏ phiếu, kiểm phiếu ở Georgia tràn lan trên mạng… Như thế, tình trạng kiểm duyệt ở Mỹ còn tồi tệ hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Và cũng trong buổi điều trần, cả 2 CEO đều bảo vệ các phương pháp kiểm duyệt nội dung của họ.
Đúng là một phiên điều trần nực cười, chuyện nhà lo chưa xong đã hóng chuyện thiên hạ!
Trần Hoàng Chinh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả