Thương chiến Mỹ – Trung: “Lớp băng chìm” bên dưới cuộc chiến thuế quan

18/07/2019 09:01

Thuế quan, đó là những gì chúng ta vẫn thấy trong thương chiến Mỹ – Trung nhưng đằng sau những căng thẳng này lại là các vấn đề phức tạp khác.

Căng thẳng Mỹ – Trung: Không chỉ là thương mại

Đầu tiên là Tổng thống Trump với những động cơ khó đoán đằng sau các tuyên bố và hành động với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ “ưa” thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ. Dù tốt hay xấu, lợi hay hại thì dường như chủ nghĩa bảo hộ là một trong những quan điểm xuyên suốt và nghiêm túc nhất của ông Trump. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng tự khắc họa bản thân như một “người làm nên thỏa thuận” (deal – maker) và ông chắc chắn muốn đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm củng cố vị thế của mình và “ghi điểm” trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Đáng tiếc là 2 động cơ này xung đột với nhau. Càng nhiều mức thuế quan, các mức thuế quan càng cao thì cơ hội đạt được thỏa thuận càng giảm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Tổng thống Trump muốn “tách rời” Mỹ khỏi Trung Quốc, nói cách khác là giảm sự phụ thuộc giữa 2 quốc gia với nhau. Tuy nhiên, chiến lược này không những thiếu hiệu quả mà còn có thể gây nguy hiểm và dễ dàng phản tác dụng. Cuộc chiến thuế quan của ông Trump đã tác động không chỉ tới nước Mỹ mà là toàn cầu. Dù Trung Quốc đã đưa ra một số nhượng bộ song bất kỳ thỏa thuận Mỹ – Trung nào đều sẽ không thể giải quyết được những vấn đề sâu xa bên trong, trong đó có những vấn đề xuất phát từ mô hình kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, nó cũng không thể chấm dứt được cuộc cạnh tranh giữa 2 cường quốc luôn muốn thống trị trật tự thế giới này.

Nếu Tổng thống Trump tách rời nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, ông sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để giải quyết các thách thức. Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng đáng kể từ khi 2 nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ vào cuối những năm 1970. Với giá trị xuất khẩu 188 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường quan trọng thứ 3 của Mỹ chỉ sau Canada và Mexico.

Tiếp đến cần phải xem xét tới lập trường của tầng lớp tinh hoa lãnh đạo của Mỹ bao gồm các nhà hoạch định chính sách, những lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các thành phần thuộc 2 đảng phái chính trị lớn của Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa.

Yu Wanli – một chuyên gia cấp cao tại Viện Charhar ở Bắc Kinh chia sẻ trên trang South China Morning Post rằng: “Tôi đã trao đổi với các đồng nghiệp tại Washington. Họ rất thận trọng với sự phát triển hiện nay của Trung Quốc. Trung Quốc không còn là Trung Quốc mà họ biết nữa. Họ đang nỗ lực tìm cách đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại không phải chỉ do riêng Tổng thống Trump “khơi mào”, ông ấy có những cố vấn đứng đằng sau và những người đó thậm chí còn cứng rắn hơn cả ông Trump”.

Căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự không chỉ nằm trong vấn đề thương mại mà được điều hướng bởi 2 yếu tố quan trọng khác nữa. Trước hết là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cho vị trí thống trị công nghệ và kinh tế thế giới. Tiếp đến phải kể tới là sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới nói chung và tại nước Mỹ nói riêng.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Sự nổi lên của Trung Quốc cũng như sự lan rộng của thiết bị Huawei trên khắp thế giới đã khiến Mỹ phải “cảnh giác”. Cuộc chiến này không bắt đầu với các biện pháp áp thuế của Tổng thống Trump và cũng không kết thúc khi ông rời nhiệm sở. Sự cạnh tranh giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều không thể tránh khỏi trong môi trường quốc tế hiện nay.

Ngoài ra, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ cũng như những nơi khác có tác động không nhỏ đến đầu tư và thương mại quốc tế.

Nguyên nhân sâu xa của việc này là sự phân phối không đồng đều các lợi ích trong quá trình toàn cầu hóa. Mặc dù toàn cầu hóa đem lại lợi ích cho nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc song nó lại không được phân phối một cách đồng đều trong cả 2 quốc gia này và kết quả là “những kẻ thua, những người chịu tổn thất” đã xuất hiện. Những người “giận dữ” vì bị bỏ lại phía sau này đã nảy sinh tâm lý bảo hộ với niềm tin rằng khi “họ được hưởng nhiều hơn thì nghĩa là chúng ta sẽ nhận được ít đi”. Tuy nhiên, điều đáng nói là chủ nghĩa bảo hộ không khiến các vấn đề được giải quyết mà chỉ tạo nên một tình thế khiến các bên “cùng thua” (lose-lose).

Tổng thống Trump tin rằng mọi thỏa thuận đều là một trò chơi có tổng bằng 0. Lợi ích đạt được của quốc gia này sẽ là tổn thất của quốc gia khác và đó là lý do mà Mỹ cần phải đàm phán lại các thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia khác để Washington tận dụng tối đa quy mô và sức mạnh của mình. Ông đã thay đổi sự phân phối các lợi ích hiện tại trong thương mại từ đa phương sang song phương.

Dù vậy, mục tiêu cuối cùng của ông Trump ko phải là xung đột lâu dài với Bắc Kinh mà là định hình lại mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung theo các điều khoản của Mỹ cũng như thực hiện lời hứa tranh cử của ông.

Trung Quốc “nằm im chờ thời”

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang chơi trò câu giờ bằng cách xây dựng các mối quan hệ trong đàm phán để giành được ưu thế về mình. Đàm phán thương mại Mỹ – Trung đã đổ vỡ 2 lần (tháng 5/2018 và tháng 5/2019). Nếu lại đi vào “vết xe đổ”, Mỹ và Trung Quốc sẽ khó tiến đến 1 thỏa thuận bởi khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 ngày càng “nóng” lên thì Tổng thống Trump sẽ khó mà chấp nhận nhượng bộ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chờ đợi điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có thể là một kế hoạch của Trung Quốc.

 Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 11/3/2018.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 11/3/2018.

Gần đây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn khẳng định, Bắc Kinh phải nâng cao “tinh thần tranh đấu” nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong cuộc chiến thương mại hiện nay với Washington.

Ông Chung Sơn, người tham gia điện đàm với các nhà lãnh đạo trong đoàn đàm phán Mỹ hồi tuần trước tuyên bố rằng phía Mỹ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc căng thẳng thương mại “kéo lùi” nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Mỹ bày tỏ mong muốn rằng Trung Quốc sẽ sớm thông báo về việc mua thêm một số lượng lớn nông sản Mỹ bởi Washington coi bước đi này là cần thiết để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ People’s Daily ngày 15/7, ông Chung Sơn đã phác thảo một kế hoạch mang tên “6 cộng 1” cho Bộ Thương mại Trung Quốc.

“Một là chúng ta cần phải làm tốt trong việc giải quyết xung đột thương mại với Mỹ. Còn “sáu” là các ưu tiên khác như thúc đẩy nỗ lực thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng cường tiêu thụ nội địa, tổ chức thành công Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc vào tháng 11 tới, cũng như đẩy nhanh sự phát triển của các khu thương mại tự do. Mỹ đã bắt đầu các căng thẳng thương mại và kinh tế với chúng ta, vi phạm nguyên tắc của WTO và là một ví dụ điển hình cho chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”, ông Chung Sơn nhận định.

Người đứng đầu Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết thêm: “Chúng ta phải nỗ lực hết sức với tinh thần tranh đấu mạnh mẽ, kiên định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, nhân dân và hệ thống thương mại đa phương”.

3

Zhang Lifan – một chuyên gia tại Bắc Kinh nhận định những bình luận của ông Chung cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại lâu dài với Mỹ.

“Những bình luận của ông Chung Sơn cho thấy Trung Quốc muốn khẳng định rằng nước này không vội đạt được một thỏa thuận và sẵn sàng cho các cuộc đàm phán kéo dài. Dường như Trung Quốc đang chờ điều gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử năm 2020”.

Mỹ – Trung: Chiến hay hòa?

Theo một báo cáo do Quốc hội Mỹ công bố hồi tháng 3/2019, với chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay, quá trình sản xuất của Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau sâu sắc tới mức các sản phẩm của Trung Quốc thường sử dụng nguyên liệu của Mỹ trong khi các sản phẩm của Mỹ cũng khó lòng thiếu các nguyên liệu từ phía Trung Quốc.

5

“Tăng trưởng quý 2 của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 27 năm qua. Thuế quan của Mỹ đã có tác động lớn đến các công ty muốn rời Trung Quốc để tới các quốc gia khác không bị đánh thuế. Hàng nghìn công ty đang rời khỏi đây”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 15/7.

Tổng thống Trump từng tweet rằng “chiến tranh thương mại là một điều tốt và Mỹ dễ dàng chiến thắng”. Trong mắt ông Trump, chiến tranh thương mại là một trò chơi có tổng bằng 0 với “bạn thua và tôi thắng”. Tuy nhiên, trên thực tế, chiến tranh thương mại sẽ không đem lại lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc. Kết quả dễ thấy nhất là cả Washington và Bắc Kinh đều rơi vào tình thế “Song đề tù nhân”, khi mà 2 bên đều áp thuế lẫn nhau khiến cả 2 đều bị tổn thất, trong khi 2 nước có thể “đảo ngược tình thế” nếu hợp tác với nhau và hủy bỏ các biện pháp thuế quan. Rõ ràng Mỹ và Trung Quốc đều không thể và không sẵn lòng đơn phương kêu gọi đình chiến. Hệ quả đầu tiên của chiến tranh thương mại là những tổn thất lớn trong các lĩnh vực khác nhau của 2 nước và sau đó, điều này sẽ kéo 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc chiến thương mại trường kỳ mà kết cục là cả 2 đều thua.

Sự phụ thuộc vào nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc khiến bất kỳ nước nào trong 2 quốc gia áp dụng các biện pháp thuế quan đều gây tổn hại đến công dân của chính nước đó, cũng như gây ra tình trạng thất nghiệp do tác động của các biện pháp đáp trả từ đối phương. Trong căng thẳng Mỹ – Trung hiện nay, những người phải “trả giá” cho cuộc chiến thương mại không chỉ có Trung Quốc mà còn có những người tiêu dùng và người lao động Mỹ.

Nhập khẩu đậu tương Mỹ là “cái thóp” của Washington mà Bắc Kinh nắm được. Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu đậu tương đã giáng một đòn nặng với các cử tri trung thành với ông Trump. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, so với cùng kỳ năm ngoài, xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 8,7 tỷ USD. Trong khi đó, đậu tương chiếm 52% giá trị xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc. Năm 2016, Trump giành chiến thắng ở 8 bang then chốt để trở thành Tổng thống Mỹ, trong đó có bang Iowa và Ohio trồng nhiều đậu tương, ngô và tiểu mạch.

4

Trung Quốc đã sửa đổi luật đầu tư nước ngoài, mở thêm nhiều lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho phép các dịch vụ tài chính nước ngoài hoạt động tự do hơn và thiết lập 1 tòa án sở hữu trí tuệ riêng biệt. Họ cũng bày tỏ sẵn sàng mua thêm hàng hóa Mỹ như nông sản và khí đốt tự nhiên. Nhưng Trung Quốc sẽ không ngừng nỗ lực thúc đẩy phát triển các công nghệ cốt lõi thông qua các khoản trợ cấp và chính sách hỗ trợ. Đây là điểm mà họ không thể đàm phán.

Trong khi đó, việc Tổng thống Trump tuyên bố không áp thuế bổ sung đối với hàng hóaTrung Quốc đồng thời cho phép các công ty Mỹ làm ăn với tập đoàn viễn thông Huawei đã phần nào cho thấy sự nhượng bộ nhất định từ phía Washington.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Mỹ và Trung Quốc đều có thế mạnh mà đối phương không có. Nếu như Bắc Kinh có năng lực sản xuất, người tiêu dùng và khách hàng lớn thì Washington lại dẫn đầu về sáng tạo và nghiên cứu. Tách rời 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này không phải là giải pháp cho những vấn đề thương mại nội bộ trong mỗi quốc gia.

Dù vậy, theo Dong Tao – Phó Chủ tịch phụ trách thị trường Trung Quốc của Credit Suisse Private Banking nhận định hồi tháng 6/2019, 12 tháng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung thực ra “chỉ là câu đầu tiên của chương đầu tiên” trong cái gọi là sự đối đầu mới của các siêu cường.

“Cuộc chiến cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không thay đổi. Leo thang các hành động áp thuế, đưa ra các quy định về công nghệ vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới”, nhà phân tích Raymond James chỉ ra trên South China Morning Post./.

(Theo VOV)

Đọc nhiều