Thương chiến Mỹ – Trung: Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó

15/09/2019 20:02

Từng được kỳ vọng hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung, thế nhưng thật khó cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi mọi thứ đang hướng đến một “cuộc chiến tiền tệ”…

Xuất khẩu sụt giảm

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhưng lại thuộc về DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), các DN FDI là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ – Trung. Trong nhiều nhóm hàng mà hàng Việt Nam có ưu thế (quần áo, đồ gỗ), DN FDI đang “lấn sân” và giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua.

Số liệu nghiên cứu của Finn Group cũng cho thấy, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, DN Việt Nam chỉ chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu quần áo sang Mỹ trong khi DN FDI đến từ Đài Loan chiếm 12%, DN FDI Trung Quốc chiếm 13% và DN FDI Hàn Quốc chiếm đến 49% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Số liệu nghiên cứu của Finn Group cũng cho thấy, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, DN Việt Nam chỉ chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu quần áo sang Mỹ.
Số liệu nghiên cứu của Finn Group cũng cho thấy, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, DN Việt Nam chỉ chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu quần áo sang Mỹ.

Riêng với thị trường Trung Quốc, những tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào nước này sụt giảm đáng kể. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, gạo và điện thoại từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm lần lượt 330 triệu USD và gần 550 triệu USD. Điều đáng nói là, trong khi hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh thì nhập khẩu từ nước này lại tăng đáng kể. Trong 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt gần 20 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ tại cuộc họp tổng kết nửa đầu năm 2019 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Quốc Khánh cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đặt ra thách thức rất lớn cho các quốc gia có quan hệ thương mại với hai nước này, trong đó có Việt Nam. Từ xung đột thương mại chuyển sang xung đột công nghệ và giờ là xung đột tiền tệ. Xung đột thương mại có thể đánh thẳng vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và sự sụt giảm doanh số ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng xuất khẩu của nước ta.

Nỗi lo gian lận xuất xứ và tỷ giá

Chính tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc và sự lấn át của các DN FDI đã khiến DN Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Đã vậy, hàng hóa của Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại từ Mỹ. Cơ quan giám sát tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam cùng 8 quốc gia khác vào diện “giám sát đặc biệt” vì thặng dư thương mại với Mỹ tăng cao. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề gian lận xuất xứ, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc.

Nguy cơ gian lận xuất xứ từ hàng Trung Quốc đã được cảnh báo từ lâu. TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, nhiều mặt hàng Trung Quốc trước đây có thể xuất sang Mỹ với thuế suất thấp, giờ chịu thuế suất trừng phạt nên tìm đường sang Mỹ theo cách khác. Đó là lý do cho những “nghi vấn” một số mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến về xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Mỹ. Trong các cuộc họp về xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh đã nhiều lần cảnh báo DN về nguy cơ gian lận xuất xứ, hàng Trung Quốc có thể mượn đường Việt Nam để trung chuyển qua Mỹ nhằm né thuế.

Hiện Mỹ chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng DN nước ta đã gặp khó khi xuất khẩu vào nước này. Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, các cuộc điều tra về hành vi chuyển tải bất hợp pháp, gian lận xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có xu hướng gia tăng. Cụ thể, 8 tháng qua đã có 7 vụ điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra gồm nhôm, thép, ván ép, đồ gia dụng, thủy sản, pin mặt trời…

Nhưng ngoài những khó khăn trên, DN Việt Nam còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đồng nhân dân tệ (CNY) bị phá giá. Hiện Trung Quốc đã hạ giá đồng nội tệ khiến tỷ giá đồng CNY so với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Việc này đã khiến sợi của Việt Nam xuất sang Trung Quốc không chỉ bị giảm giá bán mà còn chịu thiệt hại vì đồng CNY mất giá.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) chia sẻ, thương chiến Mỹ – Trung ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu sợi cotton của Việt Nam sang Trung Quốc. Cụ thể, khi thương chiến diễn ra, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm và vì thế nước này giảm nhập khẩu. Trong khi đó, ba quốc gia cung cấp nguồn sợi cho Trung Quốc là Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan vẫn giữ nguyên năng lực cung ứng. Với thực tế đang diễn ra, ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam sẽ giảm từ 10-15% so với năm ngoái, giá từ 3,5 USD/kg xuống còn 2,8 USD/kg, tức DN ngành sợi sẽ mất nửa tỷ USD.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, Trung Quốc phá giá đồng CNY khiến cho hàng Việt Nam như vỏ lốp xe, các loại phụ kiện bằng nhựa trở nên đắt hơn. Giá đồng CNY càng xuống thấp càng khiến DN Việt Nam gặp khó và hàng tồn kho tăng cao.

Hồng Nga/ DNSG

Đọc nhiều