Thuốc lá và Covid-19
Những người hút thuốc lá thường bị suy yếu chức năng phổi, do đó có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm Covid-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bên cạnh đó, động tác đưa tay lên mũi, miệng khi hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy những người hút thuốc khi nhiễm nCoV có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường. Trong đợt dịch bệnh này, tôi hy vọng các bạn nghiện thuốc lá thử quyết tâm bỏ nó xem sao.
Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới, với khoảng 18 triệu người trên tổng số hơn 96 triệu dân hút thuốc. Có gần 50% nam và 5% nữ giới trong độ tuổi trưởng thành tại Việt Nam thường xuyên hút thuốc lá. Trong số những người hút thuốc tại Việt Nam, có 75,9% hút ít nhất nửa gói thuốc mỗi ngày, và 37,6% dùng hết cả gói. Đó là chưa kể đến khoảng 42 triệu người vô tội đang phải chịu ảnh hưởng của việc hút thuốc thụ động.
Hẳn trong những người đang đọc bài này, ai cũng từng nghe nói về tác hại của thuốc lá với sức khỏe. Trong khói thuốc lá có tới 7.000 hợp chất hóa học, phần lớn là các chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất liên quan đến ung thư, nguy hiểm nhất là nicotine. Nicotine rất dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, thậm chí qua da.
Hút thuốc lá gây hại quá nhiều đến sức khỏe. Có tới 30% các bệnh ung thư liên quan đến thuốc lá. Không chỉ có ung thư phổi mà còn có ung thư mũi, miệng, lưỡi, họng, tuyến nước bọt, thanh quản, thực quản, dương vật, tử cung, vú… Thuốc lá còn gây rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, tắc nghẽn phổi mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, tinh trùng biến dạng dẫn đến vô sinh… Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thuốc lá làm hơn 8 triệu người trên toàn cầu tử vong mỗi năm. Hơn 7 triệu người trong số đó hút thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút nhưng tiếp xúc với khói thuốc.
Những người dễ bị tổn thương nhất này là phụ nữ, trẻ em, người già. Có thể nói, “bắt” người khác phải hít khói thuốc của mình là tội ác. Đấy là chưa nói đến việc tốn kém tiền bạc. Ít ai biết rằng, mỗi năm người Việt Nam chi hết khoảng 22.000 tỷ đồng cho việc tiêu thụ thuốc lá.
Không hút thuốc lá có khó không? Nếu cha mẹ kiên quyết thì các con, cháu đều không hút. Cả hai gia đình nội, ngoại của tôi có tới vài chục người, không một ai hút thuốc lá. Lớn lên trong gia đình, tôi thấy vai trò của người bố là quan trọng nhất. Nếu bố hút thuốc lá thì còn nói gì được con, cháu? Bố ngăn cản được con hút thuốc thì con sẽ ngăn cản được cháu. Kinh nghiệm là chưa hút lần nào thì làm sao có thể nghiện được?
Con tôi có đứa bạn nghiện thuốc lá, mỗi lần đến chơi là cậu ta phải chạy ra ngoài hành lang để “rít một điếu” mới chịu nổi. Tôi thật không hiểu thế thì sung sướng nỗi gì? Khuyên vợ cháu ấy can ngăn chồng thì cô ấy bảo “anh ấy quen thuốc lá từ trước cả khi quen cháu”.
Không có lẽ bỏ thuốc lá lại khó đến thế. Trên mạng tôi thấy có không ít các hướng dẫn bỏ thuốc lá. Ví dụ như: khi muốn hút hãy ngậm muối, hít sâu một thanh quế, uống nước mật ong chanh, uống rượu vang đỏ… Nếu thấy khó quá thì đành dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Nhân dịp chống Covid-19, ngành Y tế có thể kiến nghị với Chính phủ phát động phong trào kêu gọi toàn dân ai nghiện thuốc lá hãy bỏ hút. Hô hào thực ra cũng nhiều rồi, nhưng lần này không thể nói suông, cần đi kèm với chính sách, chế tài cụ thể hơn. Điều 16 trong Nghị định 45/2005 của Chính phủ quy định: “cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi: hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm; bán thuốc lá, thuốc lào cho trẻ em dưới 16 tuổi”. Nhưng tôi chưa thấy có ai vì hút thuốc là mà bị phạt tiền như Nghị định trên đã nêu. Và với số tiền phạt nhỏ nhoi như thế, liệu có ai vì sợ mất tiền mà bỏ thuốc lá hay không?
Sang Singapore, tôi thấy họ có nhiều biện pháp hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá. Luật pháp cấm các chủ tiệm trưng bày các sản phẩm thuốc lá, mục đích là để tránh người mua thuốc bột phát, đặc biệt là hành vi đến từ những thanh niên trẻ. Các nhà lập pháp nước này còn kiến nghị nâng độ tuổi hợp pháp để được mua thuốc lá từ 18 lên 21. Nhiều bạn cho tôi biết kẹo cai thuốc lá của Nhật không hề chứa Nicotine, không gây ra sự phụ thuộc vào việc sử dụng kẹo, bạn chỉ cần duy trì thói quen ngậm kẹo này trong vòng 2-3 tháng, chắc chắn bạn sẽ từ bỏ thành công được thuốc lá. Nhớ câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, tôi mong bạn đọc chia sẻ thêm kinh nghiệm bỏ thuốc lá để các bạn khác bền lòng hơn mà bỏ được. Thêm một người bỏ được thuốc lá, thêm nhiều cái lợi cho mọi người xung quanh và xã hội.
Nguyễn Lân Dũng (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân)