5
category
611109

Đừng để thuốc độc đội lốt siro ho lưu hành tại Việt Nam

Phạm Khoa 21/10/2022 11:23

Bộ Y tế Indonesia vừa công bố thông tin, nước này đã cấm kê đơn toàn bộ các thương hiệu si-rô ho do Công ty Maiden của Ấn Độ sản xuất vì nghi ngờ có khả năng là nguyên nhân gây ra chứng suy thận cấp, làm thiệt mạng gần 100 trẻ nhỏ trên khắp Indonesia. Việt Nam liệu có đang lưu hành các loại si-rô độc hại này?

Gần 100 trẻ em Indonesia thiệt mạng sau khi uống siro ho của Ấn Độ.

Theo những thông tin ít ỏi được Bộ Y tế Indonesia cung cấp, nước này hiện đang lưu hành nhiều loại si-rô ho bị giới chuyên môn cho là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt cái chết do suy thận cấp (AKI) của trẻ em trên toàn Indonesia. Các ca mắc AKI này được cho là có liên quan đến việc sử dụng các loại siro chứa paracetamol được nhập khẩu từ Ấn Độ, cụ thể là bốn loại siro ho do Công ty Maiden sản xuất, bao gồm Promethazine Oral Solution, siro ho trẻ em Kofexmalin, siro ho trẻ em Makoff và siro cảm lạnh Magrip N. Tổ chức Y tế thế giới cho hay, bốn loại siro này có chứa “một lượng không thể chấp nhận” các chất diethylene glycol và ethylene glycol có thể gây hại cho não, phổi, gan và thận.

Đây quả là thông tin chấn động, vì mức độ tác động và sự nguy hiểm của nó. Ở Indonesia, việc kê đơn trị các chứng viêm nhiễm đường hô hấp cho trẻ dưới 15 tuổi thường không thiếu các loại si-rô dạng này. Từ tháng 01/2022 đến nay, đã có 206 trường hợp nhập viện được báo cáo ở 20 tỉnh với 99 trường hợp trẻ em tử vong. Ngành y tế Indonesia thật sự đã trải qua một cú sốc lớn.

Vài tuần trước, câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra ở Gambia, với 66 trẻ tử vong khiến Giám đốc Tổ chức Y tế thế giớì (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phải lên tiếng kêu gọi thận trọng với si-rô ho và bài trừ 4 thương hiệu si-rô ho có xuất xứ Ấn Độ được xác định chứa hàm lượng diethylene glycol và ethylene glycol vượt gấp nhiều lần hàm lượng cho phép.

Trở lại với Việt Nam, trong một phản ứng được cho là khá kịp thời của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thì Việt Nam chưa cấp số đăng ký cho 4 sản phẩm trị ho, cảm lạnh vừa được Tổ chức thế giới (WHO) cảnh báo nguy hiểm. Tuy vậy, điều này vẫn chưa phải là giải pháp rốt ráo và quyết liệt để bảo vệ người dân, đặc biệt là các bệnh nhi.

Có thể nói, hiện nay, các hãng dược của nhiều quốc gia lớn nhỏ đều có mặt ở thị trường Việt Nam. Sản phẩm của họ, từ thuốc trị bệnh, đến thực phẩm chức năng dành cho trẻ em và bệnh nhi vô cùng đa dạng, được bán rộng rãi ở các nhà thuốc. Trong đó, các sản phẩm dưới dạng si-rô phổ biến và được người tiêu dùng ưa thích, do dễ uống, và có hình thức gần gũi với các thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, nên được cho là vô hại. Ít ai biết, thuốc cho trẻ em là phân khúc có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng là sự khốc liệt về mặt thương mại, chứ không phải về mặt chất lượng sản phẩm. Bằng việc lợi dụng tình thương và sự quan tâm của các bậc cha mẹ dành cho con cái của mình, thuốc cho trẻ em đã trở thành con gà đẻ trứng vàng của nhiều công ty dược, nhưng cũng là mảng hoạt động có nhiều góc khuất đáng báo động.

Trong bối cảnh đó, áp lực đương nhiên đè nặng lên vai của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Vốn dĩ, cục này cũng đã không ít lần bị qua mặt, khi để xảy ra tình trạng thuốc đặc trị giả, thuốc kém chất lượng làm hại người tiêu dùng “tiền mất tật mang”.

Ở góc độ chuyên môn, việc kê toa thuốc vô tội vạ, nhồi nhét các nhãn hàng mới vào toa thuốc để buộc bệnh nhân mua cũng cần chế tài nghiêm khắc. Tình trạng này xảy ra không hiếm ở các phòng khám tư, các cơ sở y tế ngoài công lập. Nhiều hãng dược chi rất nhiều tiền cho khâu này, trong khi chất lượng sản phẩm hầu như chỉ được chứng nhận qua tờ giới thiệu.

Cùng với đó, ý thức sử dụng thuốc của người dân khá tùy tiện, nên cũng cần phổ cập kiến thức về bệnh học, cũng như về thuốc trị bệnh một cách có hệ thống và rộng khắp. Chúng ta hay thấy các nhà thuốc bán si-rô ho cho trẻ một cách rộng rãi, và các bậc cha mẹ rất ít khi băn khoăn liệu có tác hại gì không nếu dùng si-rô ho mà không được kê toa. Đây là lý do từng góp phần vào các vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi, khi những đứa trẻ được cho uống thuốc trôi nổi, thuốc xách tay chưa qua kiểm định hoặc thuốc được truyền miệng mà không có xuất xứ rõ ràng. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng có biện pháp thanh, kiểm tra nhằm ngăn ngừa những loại thuốc có thành phần độc hại trên nhập lậu vào Việt Nam.

Vẫn còn rất nhiều việc cần làm để những câu chuyện đau lòng của các nước lân cận không có cơ hội diễn ra ở Việt Nam.

Phạm Khoa

Đọc nhiều