8
category
486360

Thực hư giá trị cây lan đột biến giá 250 tỷ đồng

21/03/2021 07:46

Một cây lan đột biến được giao dịch với giá 250 tỷ đồng ở Quảng Ninh khiến không ít người e ngại chuyện thao túng, thổi giá của thị trường này.

3 giao dịch mua bán hoa lan gần 300 tỷ đồng

Ngày 15/3, cộng đồng những người chơi lan đột biến lại được dịp xôn xao trước thông tin một thương vụ chuyển giao lan var Ngọc sơn cước trị giá 250 tỷ đồng được diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. Cụ thể, thông tin trên facebook của anh Nguyễn Văn Minh cho biết đã thực hiện nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với tổng giao dịch là 288,5 tỷ đồng.

Người chơi cần cảnh giác với các giao dịch lan khủng.

Theo anh Minh, cây lan var Ngọc sơn cước anh mua gồm 2 nhánh gốc, 4 mầm, dài 1,1m và có tất cả 48 lá. Ngọc sơn cước này được anh mua với giá 250 tỷ đồng. Ngoài ra, trong buổi giao dịch lan hôm ấy, anh còn mua thêm 3 lá non của các loại lan var nổi tiếng khác như: 1 lá non Pleiku với giá 20,5 tỷ đồng, 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỷ đồng.

Nói về giá trị thực của các giao dịch lan đột biến này, ông Nguyễn Đức Khuê, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho rằng, giá lan đột biến phi điệp 5 cánh trắng các loại ngày một lên cao là do những người chơi lan tự diễn xuất mua bán giá cao với nhau.

Cây lan đột biến được giao dịch đến 250 tỷ đồng.

Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho rằng, cần phải xem xét lại bản chất và phương thức tiến hành các giao dịch của những “phi vụ” mua bán lan đột biến ầm ĩ vừa qua. Giá cả giao dịch lan đột biến là do người bán và người mua tự thỏa thuận, không có mức giá chung nào. Trong khi đó, các chiêu trò thổi giá để lừa người chơi cũng không hiếm. Trước đây có chậu lan đột biến Juliet được đồn thổi sau một giao dịch bí mật có mức giá không thống nhất, lúc thì 83 tỷ đồng, lúc 75 tỷ đồng, rồi lại tuyên bố là 90 tỷ đồng. Nếu giao dịch đó là có thật thì phải xem lại bản chất và phương thức của giao dịch là bằng tiền mua đứt hay lấy hàng đổi hàng hoặc vật trung gian khác.

Nếu là giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt theo phương thức mua đứt bán đoạn thì người mua sẽ khó tránh khỏi rủi ro. Vì với số tiền lớn như vậy thì chi phí cơ hội đầu tư rất lớn, trong khi lĩnh vực đầu tư lại rất rủi ro. “Vì vậy, tôi nghĩ giao dịch đó có thể là có thực nhưng giao dịch theo phương thức nào, đổi hàng hay bằng tiền, hay một cam kết trong tương lai nào khác giữa họ thì cần phải xem xét thêm? Nhiều khả năng là chỉ có số tiền mặt nhất định, còn lại họ đổi hàng cho nhau hoặc kèm theo những thỏa thuận nào đó”, ông Nguyên cho biết.

Thực tế trong lĩnh vực sinh vật cảnh trong những năm vừa qua có rất nhiều giao dịch theo dạng đổi tài sản, trong trường hợp đó, chậu lan tiền tỷ chỉ là vật trung gian chứ không thể hiện được đầy đủ bản chất của một giao dịch hàng hóa thành công và sinh ra giá trị gia tăng. Hơn nữa, từ trước đến nay không có mức giá quy định cho các loài lan đột biến mà phụ thuộc vào sự trao đổi, thỏa thuận giữa người mua và người bán. Vì vậy, rất dễ phát sinh rủi ro.

Những vụ việc vừa qua cho thấy, đã đến lúc ngành chức năng cần có giải pháp mạnh chấm dứt cơn sốt ảo của lan phi điệp đột biến, trả lại giá trị thực của nó. Người dân cần hết sức cảnh giác, đừng để những con số chục tỷ, trăm tỷ khiến mình “sập bẫy” lúc nào không hay.

Công an vào cuộc

UBND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản đề nghị công an thị xã, Chi cục thuế thị xã Đông Triều vào cuộc xác minh thông tin thương vụ mua bán lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng tại phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều).

Cụ thể, UBND thị xã chỉ đạo Công an thị xã chủ trì, phối hợp với chi cục Thuế Đông Triều, UBND địa phương có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về giao dịch mua bán lan var (lan đột biến) với giá trị lớn, có loại lên tới 250 tỷ đồng, và báo cáo Thường trực UBND thị xã trước ngày 23/3.

Trả lời PV, Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an thị xã Đông Triều, cho biết đơn vị này đã cử cán bộ phối hợp cùng cơ quan thuế để điều tra, xác minh sự việc.

Bảo Khánh

Đọc nhiều