130115
topics
476636

Thủ tướng: TP.HCM và Hà Nội có thể giãn cách xã hội một số khu vực

Trần Anh 15/02/2021 20:14

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng nói TP.HCM và Hà Nội có thể giãn cách xã hội một số nơi mà chúng ta cho rằng có khả năng lây nhiễm cao.

Dành hơn 20 phút kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 chiều 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh trở lại, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn. Với tinh thần bình tĩnh, khẩn trương, chúng ta đã chủ động, quyết liệt triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó, dịch bệnh ở hầu hết địa phương đã cơ bản được kiểm soát.

Dừng các lễ hội, hạn chế du xuân Ghi nhận sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, cùng việc Bộ trưởng và lãnh đạo của Bộ Y tế đã trực tiếp đi nhiều địa phương để thúc đẩy xử lý vấn đề đặt ra, Thủ tướng biểu dương các đơn vị phòng chống dịch đã làm việc xuyên Tết không nghỉ.

Đặc biệt, ông đánh giá cao địa phương đã chủ động dừng nhiều hoạt động tập trung đông người như lễ hội, bắn pháo hoa; cán bộ trực xuyên Tết để chỉ đạo, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Nhờ vậy, nhân dân đã được đón Tết Nguyên đán an vui và chuẩn bị quay trở lại làm việc bình thường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dừng các lễ hội, hạn chế du xuân trong tháng Giêng.

Thủ tướng đề nghị các địa phương trong cả nước tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 một cách mạnh mẽ, cụ thể và linh hoạt hơn trên tinh thần đẩy mạnh chiến lược phòng, chống dịch, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa nhanh, truy vết thần tốc.

“Trong lúc này, cần ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng ở một số TP lớn, tỉnh tập trung nhiều công nhân, như Hà Nội và Hải Dương đang có nhiều nguy cơ”, người đứng đầu Chính phủ nhận định.

Để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh, đưa cuộc sống bình thường trở lại, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trước hết, địa phương dừng các lễ hội, hoạt động tôn giáo tập trung đông người, hạn chế đi chúc Tết, du xuân trong tháng Giêng.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các biện phòng chống dịch ở cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp…

“Các nhà máy, xí nghiệp phải có phương án phòng, chống dịch trước khi bắt tay vào sản xuất. Cơ quan chức năng, nhất là địa phương, ngành y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, lực lượng quân đội, công an phải sẵn sàng phòng chống dịch; phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Công an huy động lực lượng rà soát đối tượng lạ mặt trong thôn xóm, khu phố.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly với số lượng lớn khi tình huống xấu xảy ra.

Không khẳng định các chuyên gia vào Việt Nam là nguồn lây nhiễm, song Thủ tướng yêu cầu việc xét nghiệm các chuyên gia thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, quản lý chặt hơn nữa các khu vực cách ly, phong toả, không để lây nhiễm chéo. Nhấn mạnh phương châm chống dịch “4 tại chỗ”, Thủ tướng nói: “Chúng ta không đặt vấn đề dừng sản xuất kinh doanh, nhưng sản xuất kinh doanh phải bảo đảm an toàn”.

Ông yêu cầu hệ thống y tế bố trí nguồn lực cho việc xét nghiệm chủ động. Các địa phương đang có dịch, nhất là Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM… tiếp tục thực hiện quyết liệt biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhanh chóng dập tắt dịch bệnh.

Trước hết, Thủ tướng lưu ý cần tập trung cho Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM, để có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện. Ông đồng ý việc giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương theo Chỉ thị 16, ngăn chặn ổ dịch này một cách quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

“TP.HCM và Hà Nội có thể giãn cách xã hội một số khu vực mà chúng ta cho rằng có khả năng lây nhiễm cao”, Thủ tướng nói.

Qua vụ việc người Nhật Bản mắc Covid-19 tử vong tại khách sạn, Thủ tướng yêu cầu tăng cường khai báo y tế, siết lại hoạt động phòng chống dịch tại các cơ sở lưu trú, đồng thời cần có quy định chuẩn xử lý những ca nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân Trước tình hình mới, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất cách chống dịch mới. Đồng thời, chỉ đạo thường xuyên, nhanh chống dập dịch, phòng dịch tại các cơ sở y tế, chỉ đạo các đơn vị giải mã trình tự gen chủng virus mới để có biện pháp một cách phù hợp.

“Chúng ta đang nói virus Nam Phi nhưng chưa có phác đồ nào xem xét vấn đề này nên cần nhanh chóng hơn”, Thủ tướng nhắc nhở.

Cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 15/2, tức mùng 4 Tết.
Cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 15/2, tức mùng 4 Tết.

Ông lưu ý quy trình phòng dịch phải đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, tránh hiểu sai, không để dân hoang mang nhưng cũng không được để dân chủ quan.

Ngành y tế được giao xem xét việc xét nghiệm theo yêu cầu để Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp. Bên cạnh đó, phối hợp cùng ngành công thương đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng chống dịch.

Trong vấn đề vaccine phòng dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chỉ đạo nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sử dụng các loại vaccine trong nước.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được giao quyết định đối tượng, giá cả, chất lượng vaccine.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được giao quyết định đối tượng, giá cả, chất lượng vaccine.

“Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ. Đã có vaccine từ nguồn gia công của Liên Hợp Quốc, từ nguồn mua nhưng phải đẩy mạnh sản xuất trong nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước tình hình cấp bách, Thủ tướng giao toàn quyền cho Bộ trưởng Y tế trong việc quyết định đối tượng, giá cả, chất lượng vaccine; cần thiết thì báo cáo Thủ tướng.

Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính và xác định đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng cùng các địa phương quản lý chặt biên giới, không để vượt biên trái phép làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Về vấn đề học sinh đi học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương căn cứ tình hình dịch để có hướng dẫn cho học sinh học trực tuyến hoặc một bộ phận nghỉ học để phòng chống dịch. Việc này do Bộ và địa phương quyết định, như Hà Nội và một số địa phương khác đã làm. Theo Thủ tướng, cần quyết định một số biện pháp trong thời điểm căng thẳng về dịch bệnh.

Chiều 15/2, Bộ Y tế công bố thêm 40 ca dương tính nCoV trong nước, trong đó Hà Nội 2 ca và Hải Dương 38 ca.

Như vậy, tính từ 28/1 đến 15/2, Bộ Y tế ghi nhận 677 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở 13 tỉnh, thành, gồm: Hải Dương (499), Quảng Ninh (59), TP HCM (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3). Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca. Hải Phòng, Hà Giang mỗi nơi một ca.

Tổng số ca nhiễm của cả nước đến nay là 2.269. Trong đó có 1.541 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và 35 ca tử vong.

Hoài Thu/ZN

Đọc nhiều