Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

17/06/2020 15:55

Theo quyết định của Thủ tướng, đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài 22,97 km đi qua hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1.

Theo đó, tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài khoảng 22,97 km. Điểm đầu của dự án kết nối với cầu Mỹ Thuận 2, thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long. Điểm cuối là thuộc nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu, thuộc địa phận thị xã Bình Minh, cũng tỉnh Vĩnh Long.

Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ - ảnh 1
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành trong năm 2023.  

Giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 4 làn xe, với vận tốc 80 km/h, đến giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc có 6 làn xe với vận tốc 100 km/h.

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tổng mức đầu tư khoảng trên 4.827 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương. Trong đó, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ phân bổ cho dự án là 932 tỉ đồng, số vốn còn lại sẽ nằm trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo quyết định của Thủ tướng, tuyến cao tốc trên dự kiến khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 trong năm 2023.

Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng giao nhiệm vụ thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, và “chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, thực hiện dự án theo quy định pháp luật. Đặc biệt, dự án phải đúng tiến độ, công khai, minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí” – Quyết định của Thủ tướng nêu.

Ban đầu, năm 2007, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư theo hình thức PPP, giá trị 5.408 tỉ đồng, với thời gian thu phí hoàn vốn dự án khoảng 18 năm hai tháng, và nhận thêm hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương trong bốn năm hai tháng.

Tuy nhiên, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, Nhà nước không được trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư bằng quyền thu phí nữa, mà thông qua đấu giá. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho dự án, trong hạng mục giải phóng mặt bằng…

Dự án cũng được Bộ điều chỉnh tổng mức đầu tư xuống còn 4.758 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng là 923 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông xây dựng phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, chuyển Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Tuy nhiên, do khó khăn trong huy động nguồn vốn vay thương mại, việc triển khai đầu tư theo hình thức PPP gặp khó khăn, chưa xác định được thời điểm hoàn thành,trong khi đây là dự án rất quan trọng đối với phát triển kinh tế khu vực. Vì lý do đó, theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, và ý kiến các bộ liên quan, Thủ tướng đồng ý chuyển đổi dự án, từ PPP sang hình thức đầu tư công.

Hướng đi của cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ bắt đầu từ điểm cuối dự án cầu Mỹ Thuận 2, tuyến đi theo hướng Nam địa phận xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long. Tiếp đó, tuyến chuyển hướng Tây Nam sang địa phận các xã An Phú Thuận, An Khánh, huyện Châu Thành (Đồng Tháp).

Tiếp đến, tuyến tiếp tục đi qua địa phận các xã Thạnh Thới, huyện Long Hồ, xã Nguyễn Văn Thành, Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và kết thúc tại xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long (nhập vào Quốc lộ 1 tại vị trí nút giao Chà Và).

VIẾT LONG/ PLO

Đọc nhiều