148628
topics
558755

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Địa phương không được làm trái với quy định chống dịch của Trung ương

17/10/2021 10:08

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương. 

Sáng 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản trên phạm vi toàn quốc, cả nước đang từng bước chuyển sang giai đoạn mới.

Ngày 11/10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Sau đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện quy định này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch lần thứ 4.

Thủ tướng gợi ý tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả bước đầu, những bài học kinh nghiệm, những bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch, thảo luận thêm những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là quy định, hướng dẫn tạm thời do việc này chưa có tiền lệ, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, mở rộng dần.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo, phản ánh về tình hình sau một tuần thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, những điểm còn vướng mắc, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung quy định. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Dịch bệnh đã được ghi nhận tại 62/63 tỉnh, TP trên toàn quốc (chỉ Cao Bằng chưa ghi nhận ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 đã kéo dài hơn 5 tháng, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình.

Các chốt kiểm soát dịch trong thời kỳ giãn cách theo chỉ thị 16 ở Hà Nội.

Tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Một số tỉnh, thành phố vẫn có các ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn lây, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu.

Đánh giá lại đợt dịch thứ 4, theo Ban chỉ đạo, dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp.

Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TP HCM và một số tỉnh, TP khu vực phía Nam.

Ban chỉ đạo cũng lưu ý, đợt dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế.

Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc các nghề dịch vụ.

Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất tính từ quý 1/2020 đến nay. Số liệu thống kế cho thấy, đã có 560.000 người mất việc (4,4% lực lượng lao động); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh (31,8%); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (34,1%); 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, khống chế dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc. “Có thể khẳng định, không làm tốt thì không thể có kết quả như thời gian vừa qua”, báo cáo nêu.

Tùng Lâm

Đọc nhiều