5
category
442095

Thủ tướng: Phải tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cứu trợ vùng lũ

Tùng Lâm 24/10/2020 13:54

Thủ tướng yêu cầu sớm giải quyết vấn đề trong cứu trợ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân; có cán bộ quản lý để đảm bảo công khai, minh bạch…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn diễn ra ở Quảng Bình sáng 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định thời gian qua, miền Trung đã liên tục hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão, nhân dân chịu “họa vô đơn chí”. Đây là trận lũ lịch sử khi mực nước tại nhiều tỉnh đã cao hơn 1 m so với đỉnh lũ 1979.

Thủ tướng dẫn chứng những trận bão, lũ vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người. 119 người không may tử nạn, trong đó, có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội nhân dân, chiến sĩ công an nhân dân. Nhiều gia đình trắng tay, cơ sở vật chất, giao thông, thủy lợi, trường học cũng chịu ảnh hưởng lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.

“Tôi vừa đi thăm, nghe báo cáo về trường mẫu giáo ở một xã của huyện Quảng Ninh. Thiệt hại của người dân chúng ta rất lớn. Hôm nay, trước hết, tôi xin gửi lời thăm hỏi ân cần của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Trung”, Thủ tướng chia sẻ.

3 đề nghị của Thủ tướng

Người đứng đầu Chính phủ cho biết trước tình hình mưa lũ phức tạp, thời gian qua, Chính phủ đã cử nhiều đoàn của Trung ương đến từng tỉnh miền Trung, thăm các địa điểm khó khăn để có chỉ đạo sâu sát nhất. Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã xử lý kịp thời lương thực, thuốc thang phục vụ cho việc cứu hộ, cứu nạn.

Lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao sự quyết liệt của lực lượng quân đội, công an và sự chỉ đạo kịp thời của các tỉnh miền Trung, giúp hạn chế thiệt hại về người. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương cán bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh đã gồng mình chỉ đạo chống thiên tai với nhiều biện pháp.

Ông bày tỏ sự xúc động trước tinh thần tương thân, tương ái của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho nhân dân vùng bão lũ.

“Ta đi đường thấy cứ ba xe thì có một xe cứu trợ chở hàng hóa đến vùng lũ lụt. Rất cảm động. Tinh thần nhân văn, nhân ái thể hiện rất rõ”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con chịu ảnh hưởng của mưa lũ tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Tuy vậy, do lũ lụt nặng nề, nhiều xã hiện vẫn ngập trong nước, người dân mất nhà cửa, “màn trời chiếu đất”, mùa màng thất thu, môi trường bị đe dọa. Đặc biệt, tại Rào Trăng 3 (Huế), nhiều công nhân vẫn còn bị vùi lấp. Các công trình giao thông bị ách tắc rất lớn.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng đưa ra 3 đề nghị với 6 tỉnh duyên hải miền Trung.

Đầu tiên là bài học rút ra cho phòng, chống lũ lụt ở các địa phương. Hai là các tỉnh cần đặt ra những việc cần làm ngay để đảm bảo người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Ba là huy động mọi lực lượng để người dân không bị đói, rét, chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, học sinh sớm được đi học. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu sớm giải quyết vấn đề trong cứu trợ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân; có cán bộ quản lý để đảm bảo công khai, minh bạch, không gây khó khăn cho hoạt động từ thiện.

“Chúng ta phải giúp nhân dân miền Trung đang gặp khó khăn, rút ra kinh nghiệm quan trọng trong bão lũ lần này”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Lượng mưa dị thường

Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trong một tháng qua, 6 tỉnh duyên hải miền Trung – từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam – liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 5, 6, 7) và hai áp thấp. Hiện tượng thời tiết này gây ra 2 đợt mưa rất lớn với lượng mưa trên 1.000 mm tại miền Trung.

Cường độ mưa đặc biệt lớn trên nhiều tỉnh. Riêng Quảng Trị, Huế, lượng mưa trên 2.500 mm – vượt mức lịch sử năm 1999. Bộ trưởng Cường nhận định con số này thể hiện tính dị thường về lượng mưa trong suốt 15 ngày.

Lũ phạm vi rộng, đặc biệt lớn xuất hiện trên 16 tuyến lưu vực sông chính tại miền Trung như sông Bồ (Thừa Thiên Huế); sông Thạch Hãn (Quảng Trị); sông Kiến Giang (Quảng Bình)… Trong đó, Quảng Bình là tỉnh ngập nặng nhất với hơn 109.000 nhà cùng nửa triệu người bị ảnh hưởng, có nơi ngập sâu 2-3 m.

Các vùng núi cũng sạt lở nghiêm trọng với 268 điểm. Nhiều nơi nghiêm trọng như thủy điện Rào Trăng 3, trạm kiểm lâm 67 (Huế); Hướng Hóa (Quảng Trị).

“Thống kê cho thấy đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng nhất, khắc nghiệt nhất với bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ ảnh hưởng đến 6 tỉnh miền Trung, từ đồng bằng, trung du đến miền núi”, Bộ trưởng Cường cho hay.

Buổi làm việc của Thủ tướng với các tỉnh miền Trung.

Trước những thiệt hại do mưa lũ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rút ra 3 bài học. Thứ nhất, việc dự báo tình hình mưa lũ hiện chỉ trên phạm vi rộng, chưa khu trú được trên địa bàn hẹp, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Thứ hai, lũ kéo dài, ngập sâu khiến nhiều địa phương không có địa điểm đủ cao để di chuyển người dân đến nơi an toàn; thông tin đến người dân chưa tốt, do đó, nhiều người dẫn vẫn ở trong nhà khi mưa lũ kéo đến.

Thứ ba, các phương tiện cứu hộ, cứu hạn trong thời tiết cực đoan vẫn còn thiếu. Thứ tư, các bản tin cảnh bão mưa lũ cơ bản sát thực tế nhưng mới chỉ dự báo được lũ đặc biệt lớn trước khoảng 3h đến 6h, chưa dự báo được thời gian dài hơn. Thứ năm, người dân tại một số nơi chưa chủ động sơ tán nên vẫn còn hiện tượng dân cầu cứu khi nước lũ lên.

Dựa trên những bài học này, Bộ trưởng Cường kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho miền Trung để đảm bảo phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề xuất điều chỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiên tai và tăng cường trang thiết bị, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho các địa phương.

Cuối cùng, đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương phải gắn tất cả các chiến lược, đề án phát triển kinh tế – xã hội – dân sinh với mức lũ lịch sử mới để thích ứng phù hợp.

Tags :
Đọc nhiều