Thủ tướng: Phải quyết tâm đưa nền kinh tế vượt lên

Tùng Lâm 02/06/2020 18:58

Không lùi bước trước khó khăn, mọi cấp, mọi ngành phải có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt được mục tiêu cao nhất năm 2020. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép thành công. Khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội quyết liệt hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 vào chiều nay, 2/6.

Đề cập đến báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ giao tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng (Chính phủ giao 60 nhiệm vụ, đến nay, đã hoàn thành 29 nhiệm vụ; 30 nhiệm vụ trong hạn, 1 nhiệm vụ quá hạn), Thủ tướng nêu rõ, vấn đề này cần có văn bản chỉ đạo cụ thể để thúc đẩy, chứ không chỉ đưa ra để biết, không xử lý dứt điểm.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng cho biết, đã 48 ngày chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cùng với phòng, chống dịch bệnh tích cực, chúng ta đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép rất cụ thể và đạt kết quả. Gần như xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Vấn đề an sinh xã hội cũng được quan tâm giải quyết. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không lùi bước trước khó khăn.

Kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh, mạnh trong tháng 5 so với tháng 4. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã lao động hết mình, hứa hoàn thành toàn diện mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020. Một số ngành như công thương, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… cam kết không rút lại các kế hoạch trong bối cảnh hậu COVID-19.

Hoạt động sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi so với tháng trước khi hoạt động kinh tế-xã hội được khôi phục. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 11,2% so với tháng trước. Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam đã tăng 10 điểm trong tháng 5/2020, một trong những mức tăng cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng trở lại, tăng 26,9% so tháng trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 17,5%, thể hiện bước đầu có chuyển động. Thu hút vốn FDI dần cải thiện, phục hồi nhẹ, vốn đăng ký 5 tháng đầu năm đạt 13,9%. Trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn.

Hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi về sức khỏe tài chính, được xếp hạng bởi Tạp chí The Economist vừa công bố trong tháng 5/2020. Văn hóa, xã hội hoạt động bình thường, giải bóng đá Việt Nam trở lại thi đấu với số lượng khán giả đến sân được đánh giá là đông nhất thế giới trong tháng 5.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhất là lực lượng trên tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, các cửa khẩu. Chúng ta còn đối diện các rủi ro, thách thức, còn một số mặt tồn tại, trong đó, rủi ro, thách thức lớn nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu. Tăng trưởng của chúng ta đạt mức khá nhưng nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Công nghiệp giảm do chuỗi cung ứng gặp trở ngại. Nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết nắng hạn. Áp lực lạm phát vẫn còn khi mặt bằng giá nhóm hàng hóa thiết yếu còn cao. Đây là điều cần cảnh giác. Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và quyết liệt triển khai gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, gồm gói chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đặc biệt là gói hỗ trợ an sinh xã hội dành cho hơn 20 triệu người. Chính sách hỗ trợ người dân nghèo, người thất nghiệp là tốt nhưng nếu không quản lý tốt, không làm rõ trách nhiệm thì nảy sinh vấn đề phức tạp. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy trình, thủ tục, đối tượng với tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng và đề nghị các cổng thông tin điện tử ở địa phương cũng như Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công khai vấn đề này để người dân giám sát.

Tất cả các cấp, các ngành cần bám sát Nghị quyết 84 mới được ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ  đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tất cả cơ quan của Chính phủ, địa phương cần có chương trình hành động triển khai nghị quyết này, đặc biệt là đầu tư công ở các ngành, các địa phương.

Chúng ta đang nói là tạo thuận lợi cho phát triển, cho nên các cơ quan chức năng cần công khai cụ thể rõ ràng quy trình thủ tục, đối tượng được ưu đãi, có hướng dẫn chi tiết về kê khai đơn giản thủ tục hành chính (TTHC) thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ. “Việc này không nhắc lại không được bởi một bộ phận cán bộ công chức của chúng ta từ tỉnh đến huyện, một số ngành vẫn còn gây khó khăn”.

Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, cả về tiêu dùng cá nhân, thương mại dịch vụ. Đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hiệp hội có những chương trình kích cầu du lịch nội địa tốt, Thủ tướng đề nghị các ngành hàng cần phải có chương trình kích cầu nội địa, tiêu dùng cá nhân, trong đó có việc thúc đẩy nhà ở xã hội.

Cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và doanh nghiệp điện tử, thanh toán điện tử. Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.

Về tài nguyên, môi trường, gần đây có tình trạng người nước ngoài lách luật, mua những lô đất ở vị trí đắc địa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất biện pháp quản lý, không để hậu quả xấu có thể xảy ra.

Nhấn mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em vừa ban hành trong tháng 5/2020, Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm chính quyền địa phương, trường học, các cơ sở giáo dục trong vấn đề, cần xử lý nghiêm các vụ vi phạm để giáo dục răn đe. Đối với kỳ thi THPT quốc gia, cần tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ.

Về bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng lưu ý bảo đảm điện cho sản xuất, và sinh hoạt của người dân, không những năm nay mà các năm tiếp theo, đặc biệt bảo đảm đủ nước sạch cho người dân lúc hạn hán, nóng bức.

Đọc nhiều