Thủ tướng: ‘Nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng’

08/08/2021 12:04

“Đây là thời điểm ‘lửa thử vàng, gian nan thử sức’, ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc trực tuyến với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Doanh nghiệp nỗ lực đến đâu cũng không tránh khỏi thua lỗ”

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.

Phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế đất nước. Trong điều kiện khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn luôn đồng hành, sát cánh, tin tưởng vào Chính phủ, ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống lại Covid 19.

Thu tuong lang nghe, chia se, ho tro, thao go kho khan, thuc day san xuat kinh doanh cho doanh nghiep anh 1
Thủ tướng đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp khi phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng “chung tay, góp sức” hỗ trợ người dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Cụ thể, doanh nghiệp đã hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cán bộ vận chuyển và thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện trên cả nước; đóng góp kinh phí vào quỹ vaccine quốc gia; cùng các địa phương chủ động tìm ra các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, duy trì sản xuất kinh doanh, tìm kiếm cơ hội vươn lên.

“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tác động của đại dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ tháng 4 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ.

Sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021.

“Tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Chính phủ, Thủ tướng đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và đảm bảo an dân. Nhờ đó, kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

“Trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất”, ông nói.

Thủ tướng cho rằng bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa.

“Đây là thời điểm ‘lửa thử vàng, gian nan thử sức’, ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thu tuong lang nghe, chia se, ho tro, thao go kho khan, thuc day san xuat kinh doanh cho doanh nghiep anh 2
Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của doanh nghiệp. Ảnh: VGP.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Ông khẳng định trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

“Chúng ta cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”, Thủ tướng nói.

Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

“Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài. Chúng ta cố gắng chia thành nhóm vấn đề để giải quyết cụ thể và toàn diện”, ông nói.

Hội nghị sẽ tập trung vào 8 từ “Đánh giá – Giải pháp – Thiết thực – Hiệu quả”.

“Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng nhấn mạnh.

Văn Hưng

Đọc nhiều