Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chống lại sự vô cảm, nhũng nhiễu doanh nghiệp

10/05/2020 08:19

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” ngày 9-5-2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, đó là thể hiện sự kết tinh của tinh thần yêu nước của người dân và doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước. Tinh thần này phải được lan tỏa mạnh mẽ và có chiều sâu trong cả hệ thống các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp, người lao động.

Không phải quyền anh, quyền tôi mà phải vì đất nước

Hội nghị phải có kết quả cụ thể, không nói suông, nói rồi để đó; phải thể hiện được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển và với trách nhiệm đó, ngoài sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của bản thân doanh nghiệp và người dân thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các cấp, ngành rất quan trọng.

Các bộ ngành phải xắn tay áo vào làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. Một tinh thần cải cách đổi mới thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn cần phải được hun đúc. Một tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; một tinh thần dám đổi mới, kiến tạo phát triển; một tinh thần dựa vào sức mạnh của 100 triệu dân. Chúng ta cần lưu ý trong giải quyết công việc, không phải quyền anh, quyền tôi lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân, cần quán triệt để có sự hợp tác thành công.

Trong phát biểu của các bộ ngành hôm nay phải rõ ràng, chất lượng, trọng tâm, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ, chính sách nào, giải pháp nào khác và mới mẻ đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói “toàn chuyện biết rồi”. Và đặc biệt là phải quản lý cán bộ công chức, chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, cùng với việc chấn chỉnh, quản lý cán bộ thì phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Do đó, hội nghị phải nêu được những giải pháp, ý tưởng mới, chẳng hạn như về thị trường, về kết nối chuỗi giá trị, về một chất keo để dán lại các điểm đứt gãy, về lao động, thuế, phí…, nhất là thủ tục về đất đai.

Chúng ta đã có gói “Đùm bọc” hay “San sẻ” 62.000 tỉ đồng rồi, chưa kể giảm giá điện 12.000 tỉ đồng, giảm giá viễn thông, Internet 15.000 tỉ đồng, giảm giá nước sinh hoạt 10.000 tỉ đồng; bây giờ là lúc bàn đến chính sách “Tăng tốc” hay chính sách “Đòn bẩy”.

Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “Chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Thủ tướng đã nhiều lần nêu virus trì trệ? Vậy virus trì trệ ở đâu? Đừng nhìn người khác, cơ quan/tổ chức khác, bộ ngành khác, địa phương khác. Virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta.

6 lời đề nghị

Thủ tướng có 6 lời đề nghị dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam:

1 – Yêu Tổ quốc: Vì làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. [Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ. Nhân đây Thủ tướng gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ, nhiều tấm gương chia sẻ, nhân ái thật cảm động, doanh nghiệp lớn góp nhiều, doanh nghiệp nhỏ góp ít, nhiều hộ cá thể sẵn sáng nhường cơm sẻ áo lúc dịch bệnh].

2 – Đoàn kết: Vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau, chia sẻ cùng nhau.

3 – Không nản chí: Vì nản chí là tự mình bỏ cuộc [Môi trường kinh doanh nào cũng có khó khăn và thách thức. Do đó đừng nghĩ không khó khăn, đừng mong dễ dàng, vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta].

4 – Năng động/quyết đoán: Vì thụ động/lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội.

5 – Sáng tạo: Vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau.

6 – Có niềm tin: Vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Việc dự thảo Chiến lược kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 để trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt một tầm nhìn rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới. Dịch bệnh không làm chúng ta thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này.

Tôi xin hỏi: Vậy tầm nhìn của doanh nghiệp 2045 thế nào? Doanh nghiệp các bạn sẽ ở đâu vào năm 2045?

Kinh tế nhà nước thời gian khó khăn, dịch bệnh đã phát huy vai trò tốt như phân phối, cung cấp điện nước, viễn thông, cung cấp gạo… Hiện chúng ta đã có các tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế như Viettel, VNA, Thaco, Vingroup, FPT, TH TrueMilk, Vinamilk…

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Liệu đến năm 2045, tức tròn 25 năm nữa, chúng ta có thể có những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới không? Thiết nghĩ, 25 năm là đủ để xuất hiện những doanh nghiệp khổng lồ mang tên Việt Nam (Made in Việt Nam).

Hãy nhớ rằng 25 năm trước thế giới chưa từng nghe đến Facebook (2004), Alibaba (1999), Google (1998)… Mong các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta hãy nghĩ đến khả năng đó; không điều gì là không thể; hãy dám nghĩ lớn, làm lớn; đừng sợ thất bại vì thất bại là mẹ thành công; hãy cứ ước mơ và hành động, biến ước mơ thành hiện thực.

Tư duy lại con đường phát triển mới doanh nghiệp

Sau thời gian giãn cách xã hội, có lẽ các lãnh đạo doanh nghiệp đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới doanh nghiệp mình? Thiết nghĩ, đây là cơ hội to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội này trước hết dành cho doanh nghiệp trong nước, nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng, không nắm bắt được cơ hội đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy.

Tờ Economics đánh giá Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế an toàn sau đại dịch với các chỉ số nợ công, nợ nước ngoài, chỉ số đi vay, dự trữ ngoại hối. Ngân hàng Thế giới nhận định: kinh tế vĩ mô ổn định, nợ chính phủ xuống thấp, khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối lớn, giảm lãi suất kịp thời… Đó là kết quả những năm gần đây kinh tế phát triển, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng được củng cố và tăng cường ở nước ta. Chúng ta đã ký hàng chục hiệp định thương mại tự do, mở ra không gian chưa từng có trong việc tiếp cận thị trường quốc tế thuận lợi.

Có thể nói, làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị hiện nay đang xem Việt Nam như một ô cờ vua trung tâm mà các kỳ thủ nào cũng muốn sớm chiếm lĩnh. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy nhanh tay tận dụng cơ hội đó!

Chúng ta từng nghĩ rằng với những thành quả kinh tế – xã hội đạt được trong năm 2019, việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra cho năm 2020 cũng như cho cả nhiệm kỳ 2016 – 2020 sẽ có những khó khăn. Tuy nhiên, việc gì quá dễ dàng đạt được thì thường kém ý nghĩa. Đến nay, chúng ta hiểu thêm rằng mức độ thành công được xác định không phải bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi những trở ngại chúng ta đã vượt qua.

Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.

Và như ai đó đã từng nói, khó khăn không phải là thứ sinh ra để đánh bại chúng ta mà để chúng ta đánh bại nó, và như tôi đã nói, tháng 5 là một trong những tháng đẹp nhất trong năm – tháng sinh nhật Bác, tôi xin dẫn bài thơ Tự khuyên mình của Bác như để động viên chúng ta mỗi khi gặp khó khăn:

“Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”.

THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

Đọc nhiều