Thủ tướng nghe các tỉnh ĐBSCL và TPHCM góp ý chiến lược, kế hoạch phát triển

16/07/2019 10:07

Sáng nay (16/7), tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng XIII với các địa phương vùng ĐBSCL và TPHCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng XIII với các địa phương vùng ĐBSCL và TPHCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là cuộc làm việc thứ 4 của Tiểu ban (do Thủ tướng chủ trì) với các địa phương nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế-xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm.

Gần đây nhất, ngày 12/7, Tiểu ban đã có cuộc làm việc với 10 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Thời gian qua, Tiểu ban gồm 51 thành viên đã có cuộc làm việc với TPHCM và một số địa phương Nam Bộ, với TP. Hà Nội và 12 địa phương lân cận.

Dự cuộc làm việc hôm nay có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên Tiểu ban, TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, vùng chiếm gần 23% dân số, gần 20% GDP của cả nước.

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, ông mới nhận được báo cáo từ Văn phòng Chính phủ về chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam vừa được công bố. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 54/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 34 bậc so với năm 2016, tăng 3 bậc so với năm 2018. Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Các chỉ số xếp hạng cao của Việt Nam là xóa đói giảm nghèo (95 điểm), giáo dục (91 điểm), tiếp cận năng lượng (82 điểm), mô hình tiêu dùng, sản xuất bền vững (87 điểm), chống biến đổi khí hậu (94 điểm). Các chỉ số xếp hạng thấp là cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững đại dương, quản lý hệ sinh thái tài nguyên rừng. “Tôi nói điều này để thấy thành quả của chúng ta ở khu vực ĐBSCL” khi vùng này chiếm tới 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu, sản xuất tôm chiếm 80% cả nước, xuất khẩu trái cây đạt trên 1 tỷ USD, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, tăng dần tỉ trọng nông sản chế biến với nhiều nhà máy hiện đại. Đặc biệt, ĐBSCL có nhiều mô hình tốt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, ĐBSCL đối mặt nhiều thách thức lớn, cần nhận diện để đưa vào văn kiện nhưng cũng cần quan tâm trong chỉ đạo điều hành. Đó là tác động của biến đổi khí hậu. Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp là chính, vùng có tăng trưởng thấp hơn bình quân của cả nước, đặc biệt là phát triển hạ tầng còn nhiều khó khăn, tổng mức đầu tư chung của ĐBSCL còn thấp. Công nghiệp, dịch vụ còn nhiều vấn đề, nhất là phát triển doanh nghiệp. “Chúng ta có 13 tỉnh, thành phố với trên 20 triệu dân nhưng chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp, chiếm 7% số doanh nghiệp toàn quốc, rất thấp”, Thủ tướng nói. Về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, có lĩnh vực còn là vùng trũng.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu những nét nổi bật nhất về kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong 5 năm, 10 năm qua; đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo, mô hình mới, thành công, hiệu quả và những vướng mắc, nút thắt, vấn đề trọng tâm nhất cần giải quyết. Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ không chỉ đến năm 2025, 2030, mà cả tầm nhìn 2045 đối với vùng. Góp ý không chỉ về vấn đề kinh tế mà cả xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, với vị trí quan trọng và đặc thù của vùng ĐSBCL, Thủ tướng đề nghị các địa phương phát biểu về mối liên kết giữa các địa phương trong vùng với TPHCM và cả nước để bảo đảm phát triển bền vững.

Với TP. Cần Thơ, cần báo cáo thêm về vấn đề phát triển đô thị, liên kết vùng với vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL. “Vấn đề liên kết vùng ở khu vực này rõ nét nhất nhưng vướng mắc những vấn đề gì thì các đồng chí cần nêu ra”. Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ phát biểu, giải đáp, làm rõ định hướng phát triển của 13 địa phương.

(Theo Cổng TTĐT Chính Phủ)

Đọc nhiều