Thủ tướng: Làm sao ngăn ‘chảy máu’ start-up Việt?
Chiều nay 27-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại với thanh niên khởi nghiệp: Làm thế nào để cùng đất nước vượt qua những thách thức, đặc biệt trước bối cảnh dịch COVID-19?
Phiên đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest 2020 với chủ đề Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức diễn ra tại Hà Nội.
Cuộc đối thoại sẽ xoay quanh các vấn đề: chính sách tài chính cho khởi nghiệp; chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp – thực trạng và giải pháp hoàn thiện.
Trực tiếp điều hành phiên tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có nhiều ràng buộc và hạn chế gây trở ngại cho khởi nghiệp. Diễn đàn này sẽ lắng nghe, tháo gỡ cơ chế và các vấn đề liên quan khác.
“Tôi tin bộ trưởng, thứ trưởng có mặt hôm nay sẵn sàng trả lời câu hỏi các bạn. Tôi cũng sẽ trực tiếp trả lời để làm sao khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy tốt nhất, nâng cao lời hứa và trách nhiệm của Chính phủ với thanh niên trong khởi nghiệp” – Thủ tướng nói.
Doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận vốn có phải do “trên nóng, dưới lạnh?”
Anh Nguyễn Đức Trung, quỹ đầu tư VinaVenture dẫn ra những điểm hạn chế của nghị định 38, quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể điều 5 nghị định 38 về giới hạn đầu tư dưới 50% vốn điều lệ là chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các start-up. Anh Trung đặt câu hỏi Thủ tướng, Chính phủ trong thời gian tới có chỉ đạo, định hướng gì khai thông vấn đề này.
Anh Phan Bá Mạnh, sáng lập công ty công nghệ vận tải An Vui, chia sẻ câu chuyện cách đây 2 năm anh gọi vốn đầu tư, rất may mắn gọi vốn thành công. Nhưng nhiều start-up phải mở công ty ở nước ngoài dẫn đến tình trạng “chảy máu” start-up. Anh Mạnh đặt câu hỏi là môi trường đầu tư đã cải thiện đủ hấp dẫn để sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam hay chưa hay phải mở doanh nghiệp tại nước ngoài mới tạo được vốn?
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương, đặt câu hỏi: Đầu tư từ các doanh nghiệp lớn/ tập đoàn tư nhân và nhà nước cho khởi nghiệp sáng tạo luôn là một kênh đầu tư quan trọng cho startup ở nhiều quốc gia, tuy nhiên hoạt động này ở Việt Nam lại chưa được đẩy mạnh hay trở thành kênh đầu tư chính thức thì sẽ có giải pháp gì?
Thủ tướng nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện, và còn nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên, nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn, đặt ra vấn đề quan trọng để làm sao mở các đổi mới sáng tạo này ở trong nước chứ không chảy máu ra nước ngoài. Thủ tướng cho rằng các thành viên Chính phủ phải có trách nhiệm trả lời, với tinh thần “mở ra chứ không trói vào”, cần phải chỉ rõ nguyên nhân còn vướng mắc hiện nay.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay Nghị định 38 hướng dẫn Luật Đầu tư cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, sau thời gian thực hiện những quy định như không được hình thành pháp nhân, phải có 30 thành viên trong quỹ, tăng vốn phải tăng thêm dưới 50% vốn điều lệ… không phù hợp. Những lần tăng vốn lần sau không phải vượt 50% mà hàng mấy trăm %, phụ thuộc vào nhà đầu.
“Quy định này khá cứng, áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước và khi thực hiện tạo ra rào cản” – ông Tùng nhìn nhận sẽ nghiêm túc tiếp thu và bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến sửa đổi Nghị định này trong thời gian tới, giải quyết vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết sẽ chủ trì sửa đổi quy định này, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu hai bộ phải sửa đổi quy định sớm và bãi bỏ điều kiện, quy định không cần thiết. Công dân có thể kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm, nên cần phải có quy định rõ ràng.
Cần đổi mới từ cách làm tới tư duy để có hệ sinh thái khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, nhận định năm 2020 là năm biến đông, có nhiều thách thức, đòi hỏi chuyển động và bứt phá, cốt lõi doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khai thác, tận dụng tối đa nguồn lực của mình vượt qua thách thức, trong đó khoa học công nghệ là công cụ vững chắc.
Với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, hành lang pháp lý cơ bản hoàn thiện khi gần đây ban hành Luật đầu tư, sự lan tỏa của đề án 884… là nền tảng vững chắc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên để phát triển, cần chung tay đổi mới từ cách làm đến tư duy, lấy doanh nghiệp khởi nghiệp là trung tâm, nhưng cần có sự chủ động hơn nữa.
Hiện Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá 1 tỉ USD và nhiều doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, do đó ông Đạt kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hơn nữa.
Các hoạt động sẽ tập trung liên kết phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trường đại học, cao đẳng để thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khai thác cơ sở hạ tầng, hình thành khu hỗ trợ kỹ thuật khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy con người làm giá trị cốt lõi, phát triển nguồn lực qua giáo dục và đào tạo.
Khởi nghiệp sáng tạo bùng nổ nhờ chính sách
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, đánh giá, kể từ sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, nhiều chính sách đã được các Bộ, ngành tiếp thu và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Từ đó, năm 2019 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, với sự bùng nổ về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian làm việc chung, vườn ươm, chương trình tăng tốc và các cuộc thi dành riêng cho khởi nghiệp sáng tạo, cùng với sự ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong chương trình nghị sự, Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á.
“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự lan tỏa rộng rãi tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, kích thích quyết tâm hành động của các chủ thể khởi sự kinh doanh trên nền tảng công nghệ trong cả nước” – anh Tuấn kỳ vọng Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2020 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chủ chốt gồm tiếp cận vốn, tài chính, chuyển đổi số, nguồn nhân lực và hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp.
Anh Thuần (Trà Vinh) đặt vấn đề, thanh niên nông thôn tiếp cận nguồn vốn khó khăn, đề án 844 triển khai nhưng chưa hiệu quả, có phải chăng trên thì nóng, dưới thì lạnh và dưới địa phương nữa thì “lạnh luôn”?
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, các mô hình khởi nghiệp sáng tạo sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm phù hợp nhiều hơn. Với tín dụng ngân hàng, do huy động nguồn vốn trong dân, cho vay nên theo quy định hiện hành việc tiếp cận vốn của start-up khó khăn hơn.
“Song không phải doanh nghiệp khởi nghiệp không tiếp cận được vốn”, ông Tú nói và cho biết hiện cũng có nhiều chính sách như bảo lãnh, vay vốn ngân hàng để tiếp cận vốn. Thực tế dư nợ cho vay với doanh nghiêp nhỏ và vừa hiện chiếm 20%, trong đó có những ngân hàng như BIDV cũng có gói cho vay lên tới 5.000 tỉ đồng, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp.