135499
topics
410297

Thủ tướng: Kiên quyết xử lý bộ phận, cá nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công

16/07/2020 18:06

Thủ tướng quả quyết, giải ngân vốn đầu tư công 30% là không thể chấp nhận. Ông yêu cầu ” xử lý những bộ phận, cá nhân thiếu trách nhiệm và công khai” nếu để giải ngân chậm.

Bàn về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ họp giao ban hàng tháng, các thứ trưởng họp giao ban nửa tháng một lần.

Đình chỉ công tác, chống virus trì trệ

“Tôi giao 5 thứ trưởng tất cả các dự án, các khu vực để tập trung chỉ đạo, cứ 15 ngày phải họp giao ban và 1 tháng họp giao ban lãnh đạo bộ để xem xét, đôn đốc, nhắc nhở. Chúng tôi đưa ra thông điệp rất rõ là xử lý nghiêm người đứng đầu các Ban nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng GTVT nói.

Thủ tướng: Kiên quyết xử lý bộ phận, cá nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Từ tháng 8, yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp để Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chuyển vốn những dự án không giải ngân được cho dự án khác

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết với Thủ tướng quyết tâm năm nay sẽ giải ngân 100% số vốn 29.718 tỷ đồng ngân sách nhà nước bằng cách linh động điều chỉnh vốn.

Nói về dự án sân bay Long Thành, ông Thể lo lắng “càng chậm thì sẽ càng khó khăn”. Còn đối với dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng GTVT cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ về 3 dự án đầu tư công nếu ban hành trong tuần này thì bộ sẽ phê duyệt, mời thầu 13 gói thầu để tháng 9 khởi công. Tuy nhiên,  ông Nguyễn Văn Thể cũng nêu băn khoăn, “không có mặt bằng thì không triển khai được dự án”.

“Nhân sự kiện này mong Thủ tướng gửi thông điệp mạnh mẽ,  địa phương không giải phóng mặt bằng thì xử lý các địa phương. Chúng tôi đề nghị, đối với các tốc Bắc – Nam phía đông có 13 tỉnh, nhưng hiện có 2 tỉnh giải phóng mặt bằng chậm là Khánh Hoá và Đồng Nai, e rằng không bảo đảm tiến độ Thủ tướng yêu cầu. Rất mong tỉnh uỷ, uỷ ban 2 tỉnh tập trung”, Bộ trưởng GTVT nói.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện bộ không còn cấp bất kỳ giấy phép nào, mà địa phương được cấp phép với mọi loại công trình.

Quá trình nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn Luật Xây dựng làm “hết sức gọn” giúp địa phương dễ áp dụng, thực hiện, giảm thời gian xử lý thủ tục xây dựng xuống 60-70%. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã  ban hành kế hoạch với 60 giải pháp cụ thể, trong đó có nhiệm vụ “chống virus trì trệ”.

“Theo đó cứ 3 lần chậm, muộn thì đình chỉ ngay thủ trưởng đơn vị, vừa rồi cũng đình chỉ một nhân sự và thấy tác dụng là người  khác có thái độ hết sức tích cực”, Bộ trưởng Xây dựng dẫn chứng.

Giải ngân đầu tư công là cứu cánh của dịch bệnh

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Giải ngân vốn đầu tư công là cứu cánh đối với đại dịch Covid chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của dịch. Phải nhận thức điều này để có quyết tâm chính trị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn nữa”.

Thủ tướng lưu ý, sau cuộc họp này, tỉnh ủy, HĐND, UBND họp bất thường để ra nghị quyết triển khai đến nơi, đến chốn giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng: Kiên quyết xử lý bộ phận, cá nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp sáng 16/7.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, trong đó có việc chưa phân bổ đến các dự án cụ thể chiếm gần 6%, tương đương 27.000 tỷ. Trong đó, giải ngân vốn ODA là tệ nhất.

Dẫn chứng sự vào cuộc quyết liệt của Tiền Giang về việc không chỉ quyết tâm giải ngân 100% vốn mà đối với công trình trọng điểm như đường Trung Lương – Mỹ Thuận, tỉnh cam kết cuối năm thông xe,  Thủ tướng cho rằng, chủ tịch tỉnh phải trực tiếp đối thoại với hàng trăm hộ bị giải tỏa thì mới thúc đẩy giải ngân trên 50%.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng ghi nhận Bộ GTVT cam kết giải ngân 100%  các công trình được giao, trừ các công trình cao tốc đã giải ngân 70%; Bộ Xây dựng ban hành nhiều thể chế thuận lợi cho xây dựng cơ bản, đặc biệt là việc đình chỉ một số cán bộ làm chậm thủ tục.

“Các đồng chí phải sờ vào gáy những người làm việc trực tiếp thì mới lo làm việc, còn nói chung chung thôi thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ trực tiếp thì chúng ta mới có hy vọng chuyển biến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyển vốn đến nơi giải ngân được

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI.

“Chủ tịch tỉnh, bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội của ngành và địa phương mình. Cần ngắn gọn với hành động mạnh mẽ gửi lên Chính phủ chứ không nói chung chung”, Thủ tướng chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương 2 tuần báo cáo về giải ngân và kiểm tra đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công một lần.

“Thủ tướng quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền đến nơi giải ngân được, nhất là nguồn vốn từ TƯ, ngân sách và cả ODA. Từ tháng 8, tôi yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp để Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chuyển quyết liệt những dự án không giải ngân được cho dự án khác, không để chậm trễ”, Thủ tướng quả quyết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý từng bộ, từng ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc, đặc biệt là các tỉnh giải ngân chậm: “Ngay sau hội nghị này, chúng tôi sẽ kiểm tra một số địa phương. Việc lớn này mà không kiểm tra thì không thành công. Các đồng chí lo làm việc này đi, nếu cứ tiếp tục trì trệ thì phải kiểm điểm, phê bình”.

Theo Thủ tướng, việc giải ngân phải gắn với thi đua khen thưởng, đánh giá cán bộ  và xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, phải có chế tài, xử lý nghiêm. “Kiên quyết xử lý những bộ phận, cá nhân thiếu trách nhiệm và công bố lên thông tin đại chúng. Giải ngân 20 – 30% là không thể chấp nhận được”, Thủ tướng nói.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết giải ngân 6 tháng đầu năm hơn 159.397 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch.

Hiện chỉ có 3 bộ ngành và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 3 bộ ngành và 12 địa phương có số giải ngân đạt trên 45%. Còn lại, 30 bộ ngành, 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 7 bộ có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Theo ông Dũng, có 9 nhóm nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm. Trong đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công địa thi công… là nút thắt lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.

Thu Hằng/VNN

Đọc nhiều