425
category
565887

Thủ tướng: Không để học trực tuyến quá lâu, cần kết hợp học trực tiếp theo khu vực

14/11/2021 14:44

Phát biểu tại mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thí điểm việc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến theo đặc điểm mỗi khu vực

Sáng 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong gần 2 năm qua, giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch khi kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được.

“Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn một triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn”, ông Sơn nêu thực tế.

Trăn trở về tác động tiêu cực của dịch bệnh Sau khi lắng nghe ý kiến chia sẻ của đại diện các nhà giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nhiều kết quả tích cực mà ngành giáo dục đạt được trong những năm gần đây. Song Thủ tướng cũng nhấn mạnh trước mắt còn rất nhiều việc phải làm, phải đổi mới.

Với những tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra cho ngành giáo dục, Thủ tướng nhìn nhận đó cũng là cú hích để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.

“Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu tuong noi ve viec hoc sinh di hoc tro lai anh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu. Ảnh: VGP.

Theo ông Phạm Minh Chính, Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành giáo dục, để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ.

Thủ tướng cho biết từ khi dịch bùng phát, hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn.

“Thậm chí tôi biết nhiều thầy cô phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh…”, Thủ tướng chia sẻ.

Bởi vậy, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ phải phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, giải quyết từng bước những khó khăn, bất cập của ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới sách giáo khoa hiệu quả và phù hợp…

“Tất cả điều đó để đạt được mục tiêu cuối cùng là phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Xem xét giảm học phí, rà soát chính sách hỗ trợ giáo viên Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến, Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu. Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch.

Thu tuong noi ve viec hoc sinh di hoc tro lai anh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: VGP.

“Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine. Ví dụ, chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần”, Thủ tướng gợi ý.

Với giáo viên, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu xem xét giảm học phí cho học sinh vì thực tế một số nơi đã giảm nhưng một số nơi vẫn chưa làm. Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch.

“Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập”, ông Phạm Minh Chính lưu ý.

Về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho học sinh, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả hơn.

Minh Ngọc

Đọc nhiều