425
category
386976

Thủ tướng đồng ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020

22/04/2020 18:22

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đề xuất.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 22/4, Thủ tướng đánh giá cao Bộ GD&ĐT chủ động xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay và các trường đại học thực hiện phương án tự chủ.

Thu tuong: Noi long gian cach khong phai dip do ra duong an mung hinh anh 1 NQH07682_1.jpeg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay trong đó tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ ra đề thi trên tinh thần học gì thi nấy, nhưng phải chú trọng nâng cao chất lượng

Bộ GD&ĐT cũng cần tăng cường thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành như Bộ GD&ĐT, Bộ Công an… và tăng cường sử dụng công nghệ để bảo đảm tính trung thực của kỳ thi. Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế cụ thể để áp dụng chặt chẽ, nề nếp, an toàn. Trong đó, Bộ GD&ĐT phải hướng dẫn, thanh tra, giám sát kỳ thi ở các địa phương, không được buông lỏn và địa phương chịu trách nhiệm chính.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại an toàn, chu đáo, phát huy việc học qua mạng, truyền hình và học có trọng tâm, trọng điểm.

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH).

Trong đó, bài thi KHTN gồm tổ hợp 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Bài thi KHXH gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Riêng với thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) bài tổ hợp có 2 môn Lịch sử, Địa lí.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp có 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp tự chọn; còn thí sinh GDTX sẽ chỉ có 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp tự chọn.

Ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn thi còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài trực tiếp trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Kỳ thi tổ chức trong 1,5 ngày. Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi sẽ khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của Luật Giáo dục sửa đổi (năm 2019) có hiệu lừa từ 1/7/2020.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận.

Thủ tướng đồng ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 - 2
Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2020.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để có căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc theo đúng chuẩn đầu ra, bảo đảm giáo dục toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch.

Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục.

Để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh các giải pháp hành chính, về kỹ thuật, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử.

Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.

Việc tổ chức kỳ thi cũng nhằm tạo sự minh bạch, công bằng giữa người học trên toàn quốc, là cơ hội để học sinh rèn luyện bản lĩnh thi cử, tạo động lực thi đua cho cả người học, người dạy… “Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát”, Bộ trưởng nói.

Để đảm bảo tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, việc xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương do Bộ đảm nhiệm, giao, phát đề thi cùng một thời điểm trong cả nước.

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 được Bộ GD&ĐT công bố. Dự kiến nội dung đề sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sơn Ca

Đọc nhiều