Thủ tướng đặt mốc kiểm soát dịch trước 15/9 với Đồng Nai
“Mục tiêu là phải kiểm soát nhanh chóng, đưa Đồng Nai trở lại bình thường. Hy vọng chậm nhất 15/9, các đồng chí đưa tỉnh trở về trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đồng Nai là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thứ 3 trong chuyến công tác 2 ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19) tại các tỉnh phía Nam. Giống như TP.HCM và Bình Dương, sau khi kiểm tra nhiều cơ sở chống dịch tại cơ sở, Thủ tướng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo 171 xã, phường của Đồng Nai – vào chiều 27/8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lý giải ông phải làm việc với tất cả phường, xã, thị trấn bởi đây là những “pháo đài” trong chống dịch, còn người dân là chiến sĩ.
“Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Đây là chủ trương rất đúng đắn mà các đồng chí ở địa phương, lực lượng tuyến đầu mà tôi đi gặp từ qua tới giờ đều khẳng định”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kiểm soát dịch trước 15/9
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương các biện pháp của tỉnh Đồng Nai. So với nhiều tỉnh, điểm nóng Đồng Nai làm hiệu quả, nhanh hơn và đảm bảo được yêu cầu phòng, chống dịch theo công điện 1099 và 1022.
8 huyện, thị đã kiểm soát tốt nhưng còn Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu còn diễn biến phức tạp nên phải tăng giãn cách xã hội. Thủ tướng đề nghị Đồng Nai phân tích kỹ nguyên nhân số ca tử vong và chuyển nặng để có giải pháp khắc phục.
“Mục tiêu là phải kiểm soát nhanh chóng, đưa Đồng Nai trở lại bình thường. Hy vọng chậm nhất 15/9, các đồng chí kiểm soát toàn tỉnh, đưa tỉnh trở về trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng chỉ đạo.
Nhấn mạnh người dân vừa là trung tâm để chính quyền phục vụ, vừa là chủ thể tham gia, Thủ tướng yêu cầu địa phương vận động, kêu gọi người dân tham gia chống dịch, vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Không ai cầm tay chỉ việc cho phường, xã được
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị địa phương kiên trì với mục tiêu, kiên định về phương pháp nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn.
“Việc này rất quan trọng vì không ai cầm tay chỉ việc cho phường, xã được”, ông nói.
Thủ tướng chia sẻ khi ông thị sát ở huyện Vĩnh Cửu, địa phương tự sản xuất nước uống giúp tăng sức đề kháng và “máy xông hơi Covid”. Đây là sáng kiến kết hợp đông tây y, hiện đại với cổ truyền.
“Tôi nói với TP.HCM hơn 1-2 tháng trước nhưng đến nay rất ít người làm. Còn ở đây làm rất thành công”, ông biểu dương và yêu cầu nhân rộng các cách làm này.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các “pháo đài” cần thực hiện các nhiệm vụ: Vận động nhân dân vào cuộc, tham gia chống dịch; đảm bảo an sinh xã hội cho dân; đảm bảo dân tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi; đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền, cổ vũ nhân dân.
Dân ở nhà, công an ra đường
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết tỉnh hiện có 21.500 ca dương tính. Địa phương đang điều trị 11.700 ca, đã điều trị khỏi 9.000 ca và 161 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ở Đồng Nai là 0,6-0,7%.
Tỉnh thực hiện giãn cách xã hội từ 9/7, triển khai nghiêm túc với phương châm “dân ở nhà, công an ra đường”, huy động 5.500 công an, hơn 6.000 chiến sĩ quân đội để chống dịch. Sau nửa tháng đầu còn có tình trạng “chạy ra chạy vào”, đến nay, ông Dũng khẳng định người dân thực hiện rất nghiêm túc.
Chiến lược chống dịch của Đồng Nai là “bóc bằng được F0 ra khỏi cộng đồng”. Nhờ Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ xây dựng kế hoạch, Đồng Nai nghiên cứu lại và đánh dấu vùng nguy cơ xanh, vàng, cam, đỏ từ ấp, từng khu phố trở lên.
Hiện, tỉnh đã chạy tới vòng 3 (lần xét nghiệm thứ 3 – PV) để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, vừa qua, một số địa phương triển khai vòng 2 chưa chắc chắn, không theo chu kỳ khoa học nên phải làm lại cho đúng rồi mới xét nghiệm vòng 3. Do đó, tỉnh chưa kịp tổng kết chiến dịch xét nghiệm đến 1/9 như kế hoạch.
Không được để dân đói; Không được để người bệnh thiếu oxy. Đây là sinh mệnh chính trị của lãnh đạo địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng
“Quản lý khu phố, ấp dân cư thì thấy tốc độ lây lan của dịch đã dừng lại, chỉ chờ bóc cho hết”, ông Dũng nhận định.
Về sản xuất, tỉnh có 650.000 công nhân trong khu công nghiệp. 660/1.625 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Trong quá trình thực hiện, gần 50 doanh nghiệp xuất hiện F0 và được xử lý theo đúng kịch bản của ngành y tế. Đồng Nai cũng lập 121 tổ đi kiểm tra việc thực hiện “3 tại chỗ” ở doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh bóc tách F0 trong khu dân cư và doanh nghiệp phải làm song song, không để xảy ra tình trạng ngoài khu dân cư ổn mà doanh nghiệp thì không.
“Sinh mệnh chính trị của lãnh đạo địa phương”
Nói về việc triển khai nguyên tắc “mỗi xã, phường là một pháo đài”, ông Cao Tiến Dũng cho biết tỉnh có 2 khẩu hiệu: Không được để dân đói; Không được để người bệnh thiếu oxy.
“Hai cái này đi cùng sinh mệnh chính trị của lãnh đạo địa phương, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Đồng Nai nói.
Tỉnh phân công rõ trách nhiệm cho cấp huyện và xã. Nếu bóc ra F0 không có triệu chứng thì phân về cơ sở ở tầng điều trị thứ nhất, giao về xã. Tầng 2 điều trị bệnh nhân có triệu chứng, tỉnh sẽ đưa lực lượng, thiết bị về để xử lý. Bộ Y tế đã phối hợp với tỉnh để lập một bệnh viện hồi sức ở tầng 3 với 500 giường ICU.
Về an sinh xã hội, Đồng Nai sử dụng Tổng đài 1022 để người dân có thể liên hệ khi có yêu cầu về an sinh xã hội và y tế. Tỉnh thêm chức năng và bổ sung lực lượng túc trực ngày đêm tổng đài này.
“Xưa nay người dân đều dùng 1022. Người dân đã quen, cứ thế mà bấm, không cần phải nhớ nữa”, ông Dũng nói.
Chủ tịch Đồng Nai kiến nghị được hỗ trợ thêm 500 y bác sĩ để tham gia công tác điều trị; 100 máy thở cao cấp; 1 triệu test nhanh; và 2 triệu liều vaccine; các loại thuốc uống và thuốc tiêm để điều trị Covid-19.
Về các kiến nghị của Đồng Nai, Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành đáp ứng tùy điều kiện. Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ hỗ trợ nhưng địa phương cũng cần chủ động sử dụng nguồn của tỉnh từ các dự án đầu tư công chưa triển khai.
Thu Hằng