Thủ tướng đặt câu hỏi: “Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không?”

12/02/2020 16:35

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm và đặt câu hỏi “Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không?”

Ngày 12/2/2020, Bộ TT&TT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo Quốc gia về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và kết nối trực tuyến đến các tỉnh.

Theo cáo cáo của Bộ TT&TT, hiện đã có 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%. Nguyên nhân chính của sự chuyển biến cơ bản này là do Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước khẳng định văn bản điện tử đã ký số gửi nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay thế cho việc gửi, nhận văn bản giấy.

Thủ tướng đặt câu hỏi: 'Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không?'
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm và đặt câu hỏi “Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không?

“Trong năm 2019 đã khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, kết nối với Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Khi triển khai toàn quốc, số lượng hồ sơ xử lý liên thông đạt khoảng 8.000 hồ sơ/1 ngày.

Bộ TT&TT cho biết, kết nối, chia sẻ dữ liệu được quan tâm với tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước đang quyết liệt chung tay chống dịch Corona. Nếu chúng ta làm Chính phủ điện tử tốt cũng là góp phần phòng, chống virus Corona vì có nhiều người sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, Thủ tướng đặt câu hỏi “Chúng ta có đưa được toàn dân tham gia Chính phủ điện tử hay không? Các bộ ngành địa phương đã vào cuộc hay chưa?”. Đây là vấn đề rất lớn để xây dựng Chính phủ điện tử thành công và Chính phủ cũng xác định việc xây dựng Chính phủ điện tử không thể làm một lúc là xong mà phải thực hiện trong nhiều giai đoạn.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tham gia nền kinh tế số, thúc đẩy các giao dịch điện tử. Chúng ta đang phát triển tốt, nhưng không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ điện tử sẽ tăng cường tính minh bạch và chống tham nhũng, lấy người dân làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu người dân không dùng các dịch vụ công thì Chính phủ điện tử không thành công.

“Chính phủ đã chuyển chức năng điều phối xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT. Bộ TT&TT quản lý rất nhiều tập đoàn công nghệ mạnh và sẽ điều phối tốt để xây dựng Chính phủ điện tử. Cùng với vai trò của Bộ TT&TT, vai trò của Sở TT&TT cũng rất quan trọng và phải tư vấn tốt cho các địa phương để xây dựng Chính phủ điện tử”, Thủ tướng nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày báo cáo sơ kết năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử thì vẫn còn một số vấn đề như việc xây dựng chồng chéo, các bộ ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm khác nhau và không có khả năng liên thông… Đây là những lực cản trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày báo cáo sơ kết năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, tầm nhìn của chúng ta về Chính phủ điện tử là số hóa toàn diện lấy người dân làm trung tâm, làm cho Chính phủ minh bạch hơn và chống tham nhũng. Để xây dựng Chính phủ điện tử sẽ phải sử dụng công nghệ mới như AI, Bigdata… Bộ TT&TT đã xây dựng lộ trình tắt sóng 2G để thúc đẩy 100% người dân Việt Nam chuyển sang sử dụng smartphone. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, giao dịch trực tuyến hướng đến nền kinh tế số.

Tại hội nghị này, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong năm 2019, công tác cải cách hành chính gắn với Chính phủ điện tử đã phát huy hiệu quả. Các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính được rà soát và cắt giảm, tiết kiệm được 6.300 tỷ đồng. Chính phủ cũng tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ chế một cửa và một cửa liên thông phát huy hiệu quả. Đã triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia liên thông văn bản. Văn phòng Chính phủ xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ấn nút khai trương có hơn 945.000 hồ sơ đã được giải quyết qua đây.

Hiện 100% bộ ngành địa phương đã cam kết đồng hành cùng Chính phủ tích hợp dịch vụ công quốc gia tiêu biểu như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y Tế, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Theo ông Mai Tiến Dũng, triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ công mà qua đây đã nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng vặt. Chính phủ đang hướng đến Chinh phủ không giấy tờ nên đã triển khai trục liên thông văn vản quốc gia. Việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử này đã góp phần giảm đáng kể thời gian gửi, nhận văn bản và giảm các chi phí được 1.200 tỷ đồng.

Hội nghị này cũng có nhiều tham luận về kinh nghiệm triển khai, đánh giá độc lập về Chính phủ điện tử của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, tỉnh An Giang, CMC… cũng như thảo luận về các vấn đề trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Thái Khang/VNN

Đọc nhiều