Thủ tướng chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành xây dựng
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành xây dựng, đồng thời gợi mở nhiệm vụ cụ thể Bộ Xây dựng cần tập trung trong thời gian tới.
Ngày 18/5, kết luận cuộc làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, những công việc có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, các đề xuất, kiến nghị của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành xây dựng.
Trước hết, theo Thủ tướng, thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập; cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền với tư duy đổi mới.
Công tác quy hoạch đã đạt một số kết quả nhưng chưa được thực hiện bài bản, nền nếp, “chưa ăn sâu vào tiềm thức của người lãnh đạo”, cả về tư tưởng quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng quy hoạch. Luật Quy hoạch đã có, Bộ phải tập trung, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế cho công tác quy hoạch.
Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lớp lang, khắc phục nhược điểm.
Thời gian vừa qua, phát triển đô thị chưa bài bản, chưa dựa trên nền tảng vững chắc về xã hội, tự nhiên, nhu cầu thực tiễn và chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới.
Việc phân cấp quản lý nhà nước cần mạnh mẽ hơn; trong đó Thủ tướng lưu ý việc phân cấp cho các địa phương về thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng.
“Bộ không nên quản lý trực tiếp các công trình xây dựng, rất mệt mỏi, rất mất thời gian. Cách làm này trong thời bao cấp thì phù hợp, nhưng hiện nay không còn phù hợp nữa”, Thủ tướng gợi mở.
Thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.
Các khu chung cư cũ đang chiếm một nguồn lực lớn của xã hội nhưng chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng lại, giải phóng các nguồn lực này.
Chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.
Thủ tướng yêu cầu Bộ phải có bước đi đồng bộ, cụ thể để khắc phục các hạn chế, yếu kém này, mà trước hết phải thay đổi tư duy và nhận thức.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nêu rõ, các ý kiến đều đánh giá cao Bộ Xây dựng đã kế thừa thành quả, thành tích, truyền thống nhiều thập kỷ của ngành, có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá, ghi nhận.
Bộ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc có nhiều cố gắng, sau một thời gian dài đất nước ta trải qua chiến tranh, không coi trọng công tác quy hoạch. Công tác phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung được quan tâm, coi trọng và đầu tư phát triển. Việc phát triển nhà ở trong nhiều năm qua đạt kết quả tương đối khả quan, nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Để đạt được kết quả này, toàn ngành xây dựng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã đoàn kết, thống nhất, cố gắng với tâm huyết, trách nhiệm, kế thừa thành quả, truyền thống của các thế hệ trước; chấp hành, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Sự phối hợp của các bộ, cơ quan, địa phương cũng góp phần giúp Bộ hoàn thành nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Thủ tướng đề nghị, Bộ cần căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII sắp được Chính phủ ban hành, tham khảo Nghị quyết đại hội Đảng bộ các địa phương, bám sát xu thế phát triển chung của đất nước, xu thế phát triển của thời đại để xây dựng, triển khai chương trình hành động của ngành và nhanh chóng chuyển đổi trạng thái khi tình hình có biến động.
Thủ tướng gợi ý 13 nhiệm vụ cụ thể Bộ cần tập trung trong thời gian tới. Nhiệm vụ trước hết là phải có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề phù hợp với tình hình mới, thay đổi nhận thức, nâng tầm tư duy. Nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm mà chưa giải quyết được cũng là do vướng mắc về tư duy, nhận thức.
Tùng Lâm