Thủ tướng Anh công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Nga
Phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 22/2, Thủ tướng Boris Johnson cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên năm ngân hàng và ba cá nhân Nga.
Thủ tướng Johnson nói đây chỉ là động thái đầu tiên trong những kế hoạch mà Anh chuẩn bị thực hiện để đáp trả việc Nga công nhận nền độc lập của hai nhà nước “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng, cũng như đưa quân vào miền Đông Ukraine.
Các đối tượng bị Anh trừng phạt bao gồm 5 ngân hàng Nga: Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank, ông Johnson cho biết.
Ba cá nhân bị Anh trừng phạt là các tỷ phú Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg.
“Mọi tài sản của họ tại Anh sẽ bị đóng băng. Các cá nhân có tên trong danh sách sẽ không được nhập cảnh”, Thủ tướng Johnson nói. “Chúng tôi sẽ cấm mọi cá nhân và cơ quan Anh làm ăn với họ”.
Các ngân hàng quốc doanh VTB Capital, Sberbank, VEB, Gazprombank là những mục tiêu được nhắm đến. Các lệnh trừng phạt này đều có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Nga và gây khó khăn trong việc giao dịch bằng USD.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, tổng tài sản và nợ nước ngoài của các ngân hàng Nga hiện nay lần lượt là khoảng 200 tỷ USD và 134 tỷ USD. Trong đó, tiền USD chiếm khoảng 53% ở cả hai hạng mục.
Tuần trước, Anh cảnh báo sẽ ngăn các công ty Nga huy động vốn ở London – trung tâm tài chính của châu Âu. Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ có thể nhắm vào các công ty và ngân hàng Nga để ra lệnh trừng phạt.
Trước đây, Mỹ đã sử dụng danh sách SDN như công cụ trừng phạt giới tinh hoa ở Nga. Tuy nhiên, Washington gần đây đã thận trọng hơn, sau vụ trừng phạt chủ sở hữu của Rusal – một trong những công ty sản xuất nhôm lớn nhất thế giới – năm 2018 khiến giá nhôm tăng vọt.
Một dự luật do đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ công bố tháng 1 đề xuất trừng phạt các quan chức hàng đầu của Moscow và quân đội Nga.
Chính phủ Anh cũng đe dọa công khai tài sản và quyền sở hữu công ty của giới thượng lưu Nga – vốn có mặt nhiều ở Anh – nếu Moscow tấn công Ukraine.
Ông Johnson cũng khẳng định London sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp cấm vận khác đã được chuẩn bị cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nếu tình hình tiếp tục leo thang.
Thủ tướng Johnson khẳng định hành động của Tổng thống Putin sẽ gây ra tác động vô cùng xấu cho nước Nga.
Người phát ngôn của ông Johnson cũng tuyên bố ủng hộ quyết định hoãn phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2, được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra ngày 22/2. “Châu Âu cần ‘cai’ nguồn cung hydrocarbon từ Nga”, quan chức này tuyên bố.
Lệnh trừng phạt của Anh được Thủ tướng Johnson công bố trong bối cảnh EU đang tham vấn các nước thành viên về lệnh trừng phạt của khối này với Moscow.
Theo bản dự thảo của EU, các cá nhân tham gia vào quyết định “bất hợp pháp” (công nhận độc lập của vùng ly khai ở miền Đông Ukraine), các ngân hàng cung cấp vốn cho quân đội Nga hay cho các hoạt động ở vùng lãnh thổ ly khai sẽ là mục tiêu được nhắm đến.
Phạm Hùng