Thứ trưởng Lê Hải An là thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên
Nhiều lãnh đạo, giảng viên ĐH Mỏ – Địa chất, nơi Thứ trưởng GD&ĐT Lê Hải An gắn bó 23 năm, bày tỏ sự tiếc thương khi nghe tin ông qua đời ngày 17/10.
Website của ĐH Mỏ – Địa chất, Hà Nội, đăng thông tin Thứ trưởng GD&ĐT Lê Hải An qua đời. Nhiều hình ảnh về “thầy giáo Lê Hải An của ĐH Mỏ – Địa chất” cũng được đăng tải để tưởng nhớ ông.
Chiều cùng ngày, tấm bảng “Nội quy ra vào trường” đề PGS.TS Lê Hải An ký khi là hiệu trưởng được đặt trước cổng. Trong khuôn viên khoa Địa chất, phòng làm việc của ban lãnh đạo nhà trường, nhiều ảnh của Thứ trưởng Lê Hải An gắn với các hoạt động trong quá khứ được trưng bày.
GS.TS Bùi Xuân Nam – Phó hiệu trưởng ĐH Mỏ – Địa chất – xúc động nói sự ra đi của Thứ trưởng Lê Hải An là niềm tiếc thương vô hạn. Từ sáng, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại từ sở giáo dục, các trường đại học, doanh nghiệp và cựu sinh viên. Khi mới hay tin, không ai nghĩ đó là sự thật.
Còn theo PGS.TS Trần Đình Kiên – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Mỏ – Địa chất, người có những năm tháng công tác cùng với Thứ trưởng Lê Hải An chia sẻ: “Sáng nay, nhiều người gọi điện để hỏi, chia sẻ trước thông tin Thứ trưởng Lê Hải An đột ngột qua đời. Bản thân tôi thấy rất tiếc trước sự ra đi của người cán bộ tài năng, tâm huyết trong công việc, được nhiều người đồng nghiệp yêu mến”.
Đối với tập thể, cán bộ khoa Dầu khí, nơi Thứ trưởng Lê Hải An nhiều năm công tác từ hồi còn là giảng viên cho đến lúc là trưởng khoa, ai cũng đau buồn trước sự ra đi của một người nhiều năm công tác tại nơi đây.
Dù là giảng viên, quản lý khoa hay lãnh đạo nhà trường, Thứ trưởng An luôn chứng tỏ tài năng, tâm huyết được rất nhiều thế hệ sinh viên coi thầy là thần tượng, kể cả những người đã về hưu, hay cán bộ giảng viên trẻ.
Anh Trần Danh Hùng, giảng viên bộ môn Địa vật lý thuộc khoa Dầu khí và cũng là cựu học trò lớp Địa vật lý khóa 44 do PGS.TS Lê Hải An làm chủ nhiệm khi đó, chia sẻ: Thầy là một người đầy tâm huyết, chuyên môn giỏi mà khả năng lãnh đạo quản lý cũng rất tốt. Đặc biệt thầy có khả năng giao tiếp tiếng Anh rất tốt và những chuyến công tác nước ngoài thường không cần đến người phiên dịch”.
Anh Hùng kể có rất nhiều kỷ niệm với PGS.TS Lê Hải An bởi trước đây ông từng là phó chủ nhiệm bộ môn Địa vật lý, rồi kinh qua nhiều vị trí và làm hiệu trưởng trường gần 2 nhiệm kỳ trước khi lên Bộ GD-ĐT.
“Năm 2004, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thầy An về trường làm chủ nhiệm của lớp tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường và trở thành đồng nghiệp với thầy. Thầy An từng là người của bộ môn, bản thân tôi cảm nhận gần gũi như anh em trong nhà và có chuyện gì của nhau đều chia sẻ, trao đổi chân thành. Với anh em trong bộ môn, thầy rất gần gũi, thường chia sẻ, giúp đỡ không chỉ về tinh thần mà cả vật chất. Sau này kể cả khi lên làm lãnh đạo vẫn vậy”.
Theo anh Hùng, PGS Lê Hải An cũng rất gần gũi sinh viên và được nhiều thế hệ sinh viên xem là thần tượng. Ông luôn động viên, mong muốn các giảng viên của Bộ môn phải đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài để có thể tiếp cận với nền tri thức tiên tiến trên Thế giới. Chính thầy An cũng là người đã động viên và giúp đỡ anh Hùng trong quá trình đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại nước ngoài năm 2013.
Phó hiệu trưởng ĐH Mỏ – Địa chất cho biết ông Lê Hải An là con trai út của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây. Từ năm 1995, ông Lê Hải An giảng dạy tại bộ môn Địa vật lý của trường.
Năm 2008, ông là Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trưởng khoa Dầu khí. Năm 2010, ông được công nhận chuẩn chức danh Phó giáo sư và là Phó hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 2011-2014. Từ năm 2014-2018, ông Lê Hải An là Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng ĐH Mỏ – Địa chất.
“Khi nhận công tác tại Bộ GD&ĐT, ông vẫn rất quan tâm sinh viên, nhà trường”, GS Nam nói.
Theo thông cáo báo chí phát đi từ Bộ GD&ĐT, ông Lê Hải An sinh năm 1971, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng GD&ĐT, đã qua đời lúc 7h10 ngày 17/10 vì tai nạn.
Ông Lê Hải An (48 tuổi), nguyên quán tại Xuân Đan (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), là Thứ trưởng GD&ĐT từ tháng 11/2018.
Ông An tốt nghiệp trình độ Kỹ sư Địa Vật lý – ĐH Thăm dò Địa chất Matxcơva (CHLB Nga); trình độ Thạc sĩ Dầu khí – ĐH Tổng hợp Brunei; Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Dầu khí – ĐH Heriot – Watt (Vương quốc Anh).
Cao Phúc (tổng hợp)