130115
topics
480488

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: ‘Cảm phục trước sự hi sinh của đồng nghiệp’

27/02/2021 09:01

Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN TRƯỜNG SƠN, người hai lần được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại hai điểm nóng Đà Nẵng và TP.HCM, đã có những trải lòng với PV.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Cảm phục trước sự hi sinh của đồng nghiệp - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giơ tay khích lệ, động viên tinh thần đồng nghiệp đang chăm sóc điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại tâm dịch Đà Nẵng tháng 8-2020

Cuộc trò chuyện về hành trình hai năm chống dịch COVID-19 ở Việt Nam (từ tháng 1-2020 đến nay) được bắt đầu từ điểm nóng Hải Dương, nơi dịch bệnh đang hoành hành suốt một tháng qua. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói:

“Chưa bao giờ chỉ trong một ngày chúng ta gặp số ca mắc mới nhiều như vậy và số người cách ly tập trung nhiều như vậy (2.340 công nhân). Nhưng qua các đánh giá, kiểm tra; qua những nỗ lực đôn đốc chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng của người dân, tôi có cơ sở tin tưởng chúng ta có thể kiểm soát và khống chế được dịch”.

“Tôi thấy niềm tin chiến thắng trong mắt đồng nghiệp”

* Là người trực tiếp chỉ đạo nhiều đợt dịch ở các ổ dịch khác nhau, ông có thể đánh giá đâu là điểm khác và giống nhau giữa các ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc); Hạ Lôi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); Đà Nẵng; Vân Đồn (Quảng Ninh); Chí Linh (Hải Dương) và mới nhất là sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM)…

– Đến nay Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch COVID-19. Đợt thứ nhất từ cuối tháng 1-2020 cho đến khi thực hiện xong giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc vào tháng 5-2020; đợt thứ hai ở miền Trung trong tháng 7 và tháng 8-2020; đợt dịch thứ ba từ 25-1-2021 đến nay.

Có thể thấy mỗi đợt dịch có một bối cảnh chống dịch khác nhau nhưng điều tuyệt vời là chúng ta đã chọn được chiến lược chống dịch phù hợp ngay từ đầu. Đó là “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị”.

Ở đợt dịch đầu tiên, cũng giống như phần còn lại của thế giới, dịch bệnh xảy ra khi chúng ta không có nhiều thông tin về nó. Vừa chống dịch, chúng ta vừa học, vừa tìm ra những mô hình chống dịch hiệu quả phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mô hình “tổ COVID-19 cộng đồng” được ra đời ở Sơn Lôi trong đợt dịch này đã phát huy tác dụng rất tốt trong công tác chống dịch sau này ở miền Trung, cũng như ở Hải Dương hiện nay.

Còn làn sóng dịch COVID-19 lần thứ ba quả là “bài toán hóc búa”. Lần này chúng ta có những lo ngại nhất định khi dịch bùng nổ dịp cận Tết, tại các trong các nhà máy trong khu công nghiệp, đặc biệt biến chủng mới của virus khiến tốc độ lây lan nhanh hơn.

Tình huống này buộc chúng ta phải “ra tay rất nhanh” trong tổ chức cách ly cho một lượng lớn người; truy vết và xét nghiệm trên diện rộng; đồng thời phải triển khai hệ thống điều trị tại chỗ theo phương án hàng nghìn ca bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Cảm phục trước sự hi sinh của đồng nghiệp - Ảnh 2.
Ông Sơn cùng các lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra tình hình thiết khu điều trị tại Đà Nẵng – Ảnh: Bộ Y tế

* Sau hơn nửa năm dịch ở Đà Nẵng được đẩy lùi (8-2020), ông hãy nói đôi chút về quyết định “xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng chống dịch”?

– Đối với đội ngũ thầy thuốc được cử đến tâm dịch Đà Nẵng vào cuối tháng 7-2020 cách đây nửa năm, chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên.

Chúng tôi đặt chân đến Đà Nẵng và ngay trước mặt là một núi công việc cần phải làm, bao gồm truy vết, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm, hướng dẫn tổ chức các ly; giải cứu bệnh nhân, y bác sĩ và người nhà bệnh nhân ra khỏi khu vực 3 bệnh viện bị phong tỏa; thiết lập những cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, song song các cơ sở y tế an toàn để điều trị những bệnh nhân khác.

Đà Nẵng là một trung tâm lớn nhưng do lần đầu phải chống dịch trên quy mô chưa từng có nên còn khá nhiều bỡ ngỡ và gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Y tế đã huy động đến đây một đội ngũ chi viện rất mạnh và tôi được phân công nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ công tác chống dịch ở khu vực miền Trung.

Khi bước chân vào đây, chúng tôi đều ý thức được thời gian chống dịch sẽ kéo dài. Tôi đã quyết định “xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng” cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, đơn giản vì đó là trách nhiệm, nhiệm vụ của người thầy thuốc, cũng là mong muốn sát cánh cùng đồng nghiệp nơi tuyến đầu để đẩy lùi dịch bệnh. Gia đình tôi rất ủng hộ quyết định này của tôi.

* Có một hình ảnh khiến nhiều người xúc động ở tâm dịch Đà Nẵng, đó là lúc ông đứng từ xa nắm chặt tay, giơ cao động viên đồng nghiệp của mình đang điều trị cho bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến… Hoàn cảnh và ý nghĩa của hành động xúc động này như thế nào, thưa ông?

– Tôi nghĩ với bất cứ người chỉ huy nào ở vị trí của tôi lúc đó đều sẽ làm như vậy. Những đồng nghiệp của tôi khi đó đang đứng trong khu điều trị cách ly. Họ gác lại nỗi niềm riêng, tạm xa gia đình để thực hiện những trọng trách của người thầy thuốc, đó là chặn đứng dịch bệnh và điều trị khỏi các bệnh nhân COVID-19.

Đây là những nhiệm vụ quan trọng nhất, thiêng liêng nhất của người thầy thuốc trong bối cảnh ấy. Tôi nhìn đồng nghiệp và thấy được niềm tin chiến thắng rạng ngời trong đôi mắt của mỗi người. Tôi giơ nắm tay để bày tỏ mong muốn chia sẻ với đồng nghiệp về tinh thần quyết tâm. Và tôi muốn nói với đồng nghiệp của mình rằng, tôi cũng có niềm tin giống như họ.

“Thần tốc chống dịch” không còn là khẩu hiệu

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Cảm phục trước sự hi sinh của đồng nghiệp - Ảnh 3.
Một lần nữa với tư cách là Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch của Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn vào TP.HCM để cùng với TP dập tắt chuỗi lây bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất mới đây

* Sau đợt dịch ở Đà Nẵng, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, lúc địa phương xuất hiện chùm bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ Y tế chắc chắn có sự lo ngại TP.HCM sẽ lặp lại kịch bản của Đà Nẵng, Hải Dương hay Quảng Ninh…

– Đúng như vậy. Chúng ta dễ dàng hình dung ra nếu tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện một chùm ca bệnh lây lan do virus biến chủng kiểu Anh thì tình hình sẽ nguy hiểm như thế nào? TP.HCM là một trung tâm lớn và Tân Sơn Nhất là cảng hàng không quan trọng bậc nhất nước, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ nếu bùng phát dịch.

Tất nhiên Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế không bao giờ mong muốn điều đó xảy ra. Chính vì vậy mà Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM đã được thành lập với mục đích phối hợp với địa phương nhanh chóng dập tắt mọi ổ dịch phát sinh.

Và với sự quyết liệt, đề cao tinh thần “thần tốc chống dịch”, cùng với sự chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản đến nay các ổ dịch ở TP.HCM nhanh chóng được khóa chặt.

* Ông có nhắc đến cụm từ “thần tốc chống dịch”. Từ dịch COVID-19, chúng ta đã quen hơn với khẩu hiệu này, thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực trong cuộc chiến chống dịch…

– Phải khẳng định rằng Việt Nam có cách chống dịch khác cơ bản với tất cả các nước khác. Qua ba đợt dịch, chúng ta có thể thấy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị không còn là một “khái niệm trừu tượng”, mà là một “hiện tượng thực tế”.

Điều này phát huy rất tốt tính hiệu quả và cho thấy rõ kết quả cụ thể chúng ta đã làm. Sự quan tâm của Đảng và Chính phủ tới sức khỏe của nhân dân đã tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân, từ đó họ thấy mình phải có trách nhiệm cùng đất nước tham gia chống dịch.

Với những tiền đề như vậy, theo tôi “thần tốc chống dịch” không còn là khẩu hiệu, mà là thực tế những gì đang diễn ra trong cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Cảm phục trước sự hi sinh của đồng nghiệp - Ảnh 4.
Chuỗi lây nhiễm ở TP.HCM được kiểm soát, ông Sơn lại ra Hải Dương để phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch. Đến hôm nay nơi đây vẫn là điểm nóng dịch COVID-19 ở Việt Nam – Ảnh: Bộ Y tế

* Và bài học mà ngành y tế đúc rút được từ các đợt dịch, ổ dịch là gì, thưa ông?

– Bài học đầu tiên, quan trọng nhất theo tôi là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bởi chống dịch không bao giờ chỉ là việc của một mình ngành y.

Vai trò của ngành y ở đây là hướng dẫn và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, còn giữ vai trò tổ chức chống dịch phải là từ chính quyền, tổ chức Đảng ở các cấp với sự tham gia tích cực và chủ động của các ban ngành, đoàn thể trên cơ sở vận dụng triệt để nguyên tắc “4 tại chỗ”.

Bài học thứ hai là vận động sự tham gia và ủng hộ của toàn thể người dân. Sự tham gia của người dân bảo đảm hoạt động hiệu quả của các “tổ COVID-19 cộng đồng”. Và thực tế cho thấy, ở đâu có sự tham gia của người dân, chống dịch ở đó mới thành công. Bài học thứ ba là ứng dụng công nghệ 4.0 vào các biện pháp chống dịch như ngăn chặn, phát hiện, truy vết, điều trị…

Bài học thứ tư là phải coi truyền thông là mặt trận chống dịch quan trọng. Tôi thấy rằng, nếu không thắng trên mặt trận truyền thông, khó lòng thắng được dịch bệnh. Và cuối cùng là không được để diến biến của dịch COVID-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, người cao tuổi, bị những bệnh lý nền…

Những hình ảnh lan truyền cảm xúc mạnh mẽ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Cảm phục trước sự hi sinh của đồng nghiệp - Ảnh 5.
Ông Sơn kiểm tra, hướng dẫn phòng dịch tại các khu công nghiệp ở Hải Dương – Ảnh: Bô Y tế

* Trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 ở Việt Nam, có nhiều hình ảnh xúc động. Đó là khi hàng ngàn nhân viên y tế tình nguyện lên đường lao vào tâm dịch; “xuống tóc” chăm sóc người bệnh trong khu cách ly; kiệt sức, ngất xỉu trước khối lượng, môi trường làm việc quá áp lực… Là người chỉ huy, cũng là đồng nghiệp, cảm xúc của ông thế nào khi chứng kiến những hình ảnh đó?

– Đó là những hình ảnh đẹp, gây xúc động mạnh không chỉ đối với tôi, mà cả những người trong ngành y và công chúng. Với gần 40 năm gắn bó với nghề y, tôi vẫn rưng rưng khi nhìn thấy những hình ảnh đó; càng thấy cảm phục, tôn trọng và yêu thương các đồng nghiệp của mình.

Cho đến giờ sự hi sinh của người thầy thuốc trong dịch bệnh COVID-19 là vô cùng lớn. Tôi mong muốn những hình ảnh đó sẽ truyền được cảm xúc mạnh mẽ tới những người thầy thuốc trẻ, cộng đồng để chúng ta có những thế hệ thầy thuốc kế tục những truyền thống tốt đẹp này và cũng là để người dân hiểu, yêu quý, ủng hộ ngành y trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

* Việt Nam ghi dấu ấn bởi sự hiệu quả trong kiểm soát dịch (số ca nhiễm, số ca tử vong); bởi sự nỗ lực cứu sống nhiều ca bệnh tưởng chừng không còn hi vọng sống (Phi công 91). Nhìn lại hành trình ấy, ông có những suy nghĩ gì?

– Tôi luôn tự hào về những gì mà đồng nghiệp, cả ngành y tế Việt Nam đạt được trong suốt thời gian vừa qua. Và tôi tin tưởng về phương thức phòng chống dịch của nước ta đã và đang được tiến hành một cách hiệu quả trong thời gian qua.

Còn đối với đội ngũ cán bộ y tế tham gia chống dịch, tôi xin bày tỏ lòng khâm phục và biết ơn đối với tinh thần cống hiến, nỗ lực đến cùng để mang lại sự sống cho người bệnh.

Ưu tiên hàng đầu vắcxin sản xuất trong nước

* Ngoài sự nỗ lực chống dịch, Việt Nam chính thức nhập khẩu vắc xin, và sản xuất vắc xin trong nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo ông, với các mũi tiến công như thế sẽ mang lại hiệu quả như thế nào trong cuộc chiến chống lại COVID-19?

– Chúng ta hiện có 3 mũi giáp công chống dịch, bao gồm tuyên truyền, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị; năng lực xét nghiệm và vắc xin. Ba mũi này sẽ kết hợp với nhau để tạo nên ưu thế, mang đến một hiệu quả chống dịch tối ưu.

Cần hết sức cẩn trọng với suy nghĩ vắc xin là “thuốc tiên”, bởi nước ta chưa tạo được một miễn dịch cộng đồng ngay lập tức và sau tiêm cần phải có thời gian để tạo kháng thể. Do đó, ngoài 3 mũi giáp công, mọi người cần tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế.

Có vắc xin nhập khẩu là điều rất tốt, nhưng vắc xin sản xuất trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tôi hi vọng sớm sản xuất thành công vắc xin trong nước, từ đó khả năng bao phủ tiêm chủng trong dân số sẽ cao và người dân sẽ được bảo vệ tốt hơn trước đại dịch.

HOÀNG LỘC/TTO

Đọc nhiều