Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ‘nóng’ 7 biện pháp làm ngay khi số ca mắc Covid tăng cao
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã trả lời báo chí về các biện pháp giảm số ca nhiễm và ca tử vong do Covid -19.
7 biện pháp giảm ca nhiễm, tử vong do Covid-19
“Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc cao, số ca tử vong có chiều hướng tăng lên”, ông Thuấn nói và thông tin, qua phân tích thống kê thì hầu hết số ca tử vong nằm nhiều ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền.
Trước thực trạng như vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Bộ đã đề ra 7 biện pháp.
Thứ nhất, quan tâm theo dõi người có bệnh nền, người có nguy cơ cao trên 50 tuổi.
Thứ hai, các bệnh viện phải đánh giá. phân loại nguy cơ và theo dõi sát bệnh nhân. “Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại hết sức cụ thể, dễ dàng áp dụng”, ông Thuấn cho hay.
Thứ ba, Bộ tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có ca nặng cao. Hiện, Bộ Y tế đã có văn bản phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, không khí để gỉam thiểu nguy cơ lây nhiễm khuẩn trong bệnh viện, gỉam thiểu tử vong.
Thứ năm, kích hoạt lại trung tâm chuyên môn hỗ trợ từ xa.
Thứ sáu, cử người có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp chỉ đạo chuyên môn, điều phối thu dung điều trị, phân tầng phù hợp, tránh chuyển tầng quá sớm.
“Chuyển tầng quá sớm thì đương nhiên quá tải. Nếu quá muộn thì đương nhiên sẽ tăng nguy cơ tử vong Vì vậy cần thiết phải chuyển tầng đúng theo đúng hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế”, ông Thuấn nêu.
Thứ bảy, xây dựng hệ thống giảm sát nguyên nhân tử vong Covid -19. Cùng với việc này, ngay hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện về việc tiếp tục triển khai các biện pháp giảm tử vong do Covid -19, trong đó nêu rất cụ thể các biện pháp.
Về tiêm mũi 3, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin, tính đến hết hôm qua, Bộ y tế đã tổ chức tiêm chủng cho hơn 125 triệu liều vắc xin phòng Covid -19 cho người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Trong đó, độ tuổi trên 18 có 94% người được tiêm 1 mũi, và gần 80% người tiêm đủ 2 liều. Nhiều tỉnh, TP đã tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80-90% số người trên 18 tuổi trên địa bàn.
“Tiêm đủ liều cơ bản rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid -19, nên cần ưu tiên một cách tối đa”, ông nói.
Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid -19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của nhóm chuyên gia WTO, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã gửi công văn về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều thứ 3.
Theo đó, nhắc lại cụ thể như vắc xin tiêm cho các đối tượng với các nhóm 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người được chăm sóc dài hạn ở các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân COVID -19…
Dự kiến hết năm nay, chúng ta có hợp đồng với tổng số khoảng 200 triệu liều vắc xin. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã và đang đàm phán với các công ty, đối tác sắc tới tiếp tục có vắc xin cho Việt Nam, trong đó đặc biệt là Ffrizer và Astrazeneca.
“Chúng tôi cho rằng, chúng ta phần nhiều có đủ vắc xin để tiêm nhắc lại, tăng cường trong thời gian tới”, ông Thuấn nói thêm.
Gia hạn sử dụng không ảnh hưởng chất lượng vắc xin
Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ Y tế nhận được đề nghị làm rõ việc gia hạn 3 triệu liều vắc xin thêm 3 tháng so với hạn dùng của nhà sản xuất.
“Tại sao Bộ Y tế không giải thích và công bố gia hạn khi có thông tin của hội đồng kiểm định mà để đến ngày hết hạn mới công bố gia hạn? Điều này gây nghi ngờ và hoang mang cho người dân, nhất là với vắc xin tiêm cho trẻ em. Bộ Y tế giải thích thế nào về việc gia hạn vắc xin, kéo dài hạn sử dụng để người dân yên tâm?”, phóng viên nêu băn khoăn với lãnh đạo Bộ Y tế.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, việc tăng thời hạn sử dụng của vắc xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.
Theo ông Thuấn, việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Việc gia hạn này cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, ông Thuấn cho biết, từ thời điểm các cơ quan phê duyệt nói trên, các lô vắc xin Pfizer đã sản xuất trước đây có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng.
Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vắc xin lên 9 tháng.
“Trong thời gian tới, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu và nếu đảm bảo ổn định, chất lượng, nhà sản xuất sẽ nộp hồ sơ cho các cơ quan thẩm quyền để tăng hạn sử dụng của vắc xin đến 12, 18 hoặc 24 tháng”, ông Thuấn cho hay.
Tại cuộc họp, ông Thuấn dẫn lại lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc gia hạn vắc xin Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vắc xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và đảm bảo chất lượng khi sử dụng cho người dân.
Khai Tâm