2
category
336421

Thứ trưởng bộ Xây dựng: Cam kết lợi nhuận condotel gấp 2-3 lần gửi tiết kiệm là phi lý

Cao Phúc 03/12/2019 11:22

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, việc các nhà đầu tư cam kết lợi nhuận khi đầu tư các căn hộ condotel gấp 2-3 lần gửi tiết kiệm là vô lý.

Các chủ đầu tư lớn khi bán condotel, biệt thự nghỉ dưỡng thường kèm cam kết lợi nhuận mức phổ biến dao động 5-10% mỗi năm, trong 5-10 năm. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư mới lại “chịu chơi” hơn khi tung ra mức cam kết, thậm chí lên tới 15% mỗi năm, kéo dài trong 5-15 năm. Nhà đầu tư xếp hàng để mua. Những sự kiện mở bán thu hút hàng trăm khách hàng, đồng thời ghi nhận cả trăm giao dịch thành công. Thậm chí, ở một số dự án, nhiều nhà đầu tư vừa đặt cọc mua các condotel trong vòng một, hai tháng đã có thể bán lại với giá chênh hàng trăm triệu đồng. Có người mua cả lô, nhiều căn condotel với kỳ vọng hưởng lợi nhuận cam kết cao trong khi chẳng mất thời gian, công sức để vận hành.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều nay (2/12), trả lời câu hỏi liên quan đến sự việc diễn ra ở dự án Cocobay Đà Nẵng vừa qua cũng như tình hình phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng condotel, thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Quang Hùng nhận định condotel còn tồn tại những vướng mắc nhất định.

Thứ nhất, hành lang pháp lý đối với condotel hiện chưa rõ ràng. Theo luật Du lịch, các loại hình lưu trú du lịch hiện nay gồm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, chưa có condotel. Các luật Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đất đai hiện chưa định danh chính xác cho loại hình condotel.

Vướng mắc thứ hai, theo Thứ trưởng Hùng, là chưa có quy định rõ ràng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng lâu dài hay có thời hạn cho condotel. Vướng mắc thứ ba là chưa có quy định về vận hành, quản lý đối với loại hình này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Hùng cho rằng lợi nhuận cam kết condotel giữa chủ đầu tư với người mua là cam kết dân sự, pháp luật không cấm.

Thứ trưởng Nguyễn Quang Hùng cho rằng trước khi thoái trào vào năm 2018, 2019, condotel đã xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2015, bùng nổ vào năm 2016, 2017 dù chưa có khung pháp lý rõ ràng. Trước tình hình này, Bộ Xây dựng cùng các tỉnh, thành phố đã có báo cáo, cảnh tỉnh về sự phát triển quá nóng ở một số địa phương.

Đến năm 2018, Bộ đã có văn bản gửi 63 tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phát triển nóng condotel, lưu ý trong việc thẩm định chấp nhận đầu tư, xem xét các chỉ tiêu dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tránh việc chuyển đổi condotel thành nhà ở. Từ đó, nguồn cung condotel giảm đáng kể. Đến 2019, tổng nguồn cung giảm 80% so với giai đoạn 2016, 2017, lượng giao dịch giảm gần một nửa. Tính đến hiện tại, cả nước có khoảng 30.000 căn condotel.

Hồi tháng 4, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 11 về phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trong đó có đề cập đến vấn đề condotel. Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến condotel, ban hành quy chế vận hành condotel tiến tới sửa đổi trong các luật có liên quan. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý, kinh doanh loai hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ ban hành chế độ sử dụng đất đối với condotel và cấp quyền sử dụng đất. Các văn bản phải được hoàn thành trong tháng 12/2019.

Về những vấn đề cụ thể của thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Quang Hùng cho hay hiện nhiều chủ đầu tư cam kết mức lợi nhuận quá cao, song đó là quan hệ thị trường, dân sự, pháp luật không cấm. Theo ông Hùng, một số hiệp hội, ví dụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam từng cảnh báo lợi nhuận cam kết chỉ nên cao hơn lãi suất ngân hàng. “Nếu cam kết lợi nhuận gấp 2-3 lần lãi suất tiết kiệm là phi lý”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện các giải pháp để giảm thiểu rủi ro cho loại hình condotel như minh bạch thông tin (tình hình triển khai, phát triển condotel, nguy cơ đổ vỡ…), cảnh báo, kiểm soát chặt nguồn tín dụng cho condotel, ban hành mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư đầu tư trong đó có lưu ý về quyền hạn, cam kết lợi nhuận.

Sẽ ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến condotel

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho hay, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, đặc biệt là Chỉ thị số 11/2019 về việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trong đó có condotel.

Văn bản này giao hai nhóm nhiệm vụ, trong đó giao Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến condotel cũng như ban hành quy chế vận hành condotel, tiến tới đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.

Bộ Tài nguyên Môi trường được giao ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với condotel và cấp quyền sở hữu đối với condotel…

“Tất cả các văn bản này được yêu cầu phải xong trong tháng 12/2019 để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình condotel”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho hay, việc chủ đầu tư dự án phá vỡ cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư thứ cấp là quan hệ thị trường, quan hệ dân sự. Tuy vậy, trước tình hình hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp.

Đó là, minh bạch hóa thông tin về tình hình triển khai condotel, nguy cơ đổ vỡ các cam kết lợi nhuận… để nhà đầu tư thứ cấp nắm được.

Tiếp đó, là thông qua các hiệp hội đưa ra cảnh báo đối với các nhà đầu tư; đề nghị ngân hàng dự kiến có kiểm soát chặt nguồn đầu tư tín dụng cho các dự án bất động sản, trong đó có loại hình condotel.

“Cuối cùng, chúng tôi dự kiến kiến nghị ban hành mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp về condotel, tại đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua, mức lợi nhuận”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin.

 

Thứ trưởng bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. Ảnh Trọng Tùng

Ngoài ra, cũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin một số nội dung về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2019 đã được Chính phủ thảo luận trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo ông Dũng, về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại, tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, thuận lợi hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát.

CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao, tuy nhiên CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Một thông tin đáng chú ý khác là NHNN đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và ngay sau đó, 4 ngân hàng thương mại lớn đã công bố chính sách cho vay mới đối với nhóm khách hàng ưu tiên.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kiểm soát ạm phát tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, cơ cấu lại DNNN, nông nghiệp, công nghiệp – thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…

Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Khối lượng công việc vẫn còn bề bộn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực theo đúng kế hoạch đề ra nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đọc nhiều