Thứ trưởng Bộ GTVT: ‘Tiến độ đầu tư Vành đai 3 quá chậm’
Vành đai 3 chưa thể hiện được vai trò liên kết đô thị khi chỉ hoàn thành 16,7 km. Điều này đã gây sức ép giao thông lên TP và cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Với gần 100 km chiều dài, dự án Vành đai 3 đóng vai trò kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Trục đường huyết mạch này còn được nhắm tới mục tiêu giảm xe quá cảnh qua TP, thúc đẩy giao thương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thế nhưng, đến đầu năm 2021, Vành đai 3 chưa thể hiện được chức năng nào khi chỉ mới hoàn thiện 16,7 km. Đó là đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn, được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào khai thác.
Như vậy, sau 9 năm triển khai, kể từ 2011, Vành đai 3 chỉ có khoảng 18% chiều dài được hoàn thành.
Quá chậm
“Có thể thấy tiến độ đầu tư đường Vành đai 3 quá chậm”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nói với PV. Việc chậm trễ này đã gây thêm ùn tắc giao thông cho không chỉ TP.HCM mà còn cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
Trước tính cấp bách, Thủ tướng đã đưa ra nhiều chỉ đạo, đề nghị Bộ GTVT gấp rút lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết Bộ GTVT đang giao đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Sau khi có kết quả nghiên cứu, Bộ GTVT và các địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ nhằm thống nhất đề xuất cơ chế, nguồn vốn để triển khai thực hiện.
Đề cập hướng triển khai Vành đai 3, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết tại quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 của Chính phủ (28/9/2011), việc tổ chức thực hiện dự án được giao cho các địa phương trên cơ sở quy hoạch và dự án đầu tư được phê duyệt, chủ động kêu gọi vốn đầu tư, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá việc giao cho các địa phương cùng thực hiện dự án sẽ tạo tính chủ động cho nhà chức trách khi triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Song, ông Tuấn cũng cho rằng đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn như Vành đai 3, trong khi ngân sách các địa phương còn hạn chế thì điều này dẫn đến khó khăn cho dự án. Do đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xem xét cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương cho dự án để giải quyết nút thắt tài chính.
Phải khơi thông cơ chế và nguồn vốn
“Trong quy hoạch đường vành đai, Chính phủ có đưa quyết định huy động nguồn lực cho TP.HCM. Nhưng thực tế, nguồn lực từ Trung ương phân bổ cho TP.HCM còn ít. Do nguồn lực không đủ nên việc phát triển hạ tầng trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là tuyến Vành đai 3 gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Bộ GTVT mong muốn thời gian tới cơ quan này cùng TP.HCM tìm giải pháp để TP được phân bổ thêm nguồn lực nhằm triển khai dự án. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng các đoạn còn lại của Vành đai 3 nếu được chuyển thành dự án quốc gia sẽ có các cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Toàn tuyến Vành đai 3 được chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 từ Bình Chuẩn đến Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7 km; đoạn 2 từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3 km; đoạn 3 từ Bình Chuẩn (Bình Dương) đến quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5 km; đoạn 4 từ quốc lộ 22 đến Bến Lức (Long An) dài 29,2 km.
Trong đó, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có 2 dự án thành phần là 1A và 1B đã xác định nguồn vốn, phương thức đầu tư để sớm khởi công năm nay.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng Tân Vạn – Nhơn Trạch là đoạn đầu của dự án đường Vành đai 3, có ý nghĩa giúp giảm ùn tắc giao thông từ các cảng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cái Mép – Thị Vải đến khu vực tây bắc TP.HCM. Để phát huy vai trò này của Vành đai 3, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đang triển khai các thủ tục để kịp khởi công dự án vào quý IV/2021.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Bộ GTVT đã có kinh nghiệm trong việc quản lý đầu tư các dự án cao tốc, các dự án quan trọng quốc gia, nếu cơ chế, nguồn vốn thực hiện dự án được khơi thông thì các khó khăn phát sinh trong việc thực hiện dự án Vành đai 3 không còn là trở ngại đáng kể.
Dự án 1A (Vành đai 3 nối TP.HCM và Đồng Nai) dài 8,75 km, từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Dự án này có vốn đầu tư 5.329 tỷ đồng, trong đó Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) cung cấp vốn vay ODA gần 4.200 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ.
Hồi tháng 5, hiệp định vay EDCF được Việt Nam ký với Hàn Quốc, đến hôm 8/9/2020 chính thức có hiệu lực. Tổng công ty Cửu Long (thuộc Bộ GTVT) đang tuyển chọn tư vấn thiết kế để dự kiến khởi công dự án vào quý III/2021. Giai đoạn một, tuyến đường xây dựng 6 làn xe và đến giai đoạn 2 nâng lên 8 làn cùng 2 tuyến song hành, vỉa hè.
Dự án 1B (TP.HCM), dài gần 9 km, đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Tuyến này có điểm đầu tại cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và điểm cuối ở nút giao trạm 2 (xa lộ Hà Nội), tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng.
Riêng chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng công ty Cửu Long đang lập hồ sơ mời gọi nhà đầu tư, dự kiến công trình khởi công trong năm 2021.
Các đoạn còn lại của dự án vành đai 3 gồm: Dự thành phần 2 (gồm 2A, 2B, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch), đoạn Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và quốc lộ 22 – Bến Lức, đang được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025, tổng vốn hơn 31.000 tỷ đồng.
Chính phủ xác định TP.HCM có vai trò đầu tàu kinh tế trọng điểm phía nam, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2025. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp tục rà soát quy hoạch, nghiên cứu chính sách để đẩy nhanh các dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực trọng điểm phía nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Cụ thể là những dự án trọng điểm, lan tỏa, mang tính chất liên kết vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, TP.HCM – Long Thành, trục động lực kết nối TP.HCM – Long An, các cảng biển…
Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT TP.HCM phối hợp chặt chẽ các đơn vị của bộ, nhằm rà soát quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy dự án vành đai…
Cùng với dự án Vành đai 3, UBND TP.HCM hồi tháng 6 kiến nghị Bộ GTVT tải sớm triển khai dự án Vành đai 4, dài gần 200 km đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, tổng vốn đầu tư khoảng 99.000 tỷ đồng.
Hai dự án này đã được phê duyệt quy hoạch gần 10 năm trước nhưng đến nay chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Phan Công – Thư Trần/ ZF