8
category
328928

Thu tiền thật, bán nước bẩn cho người dân Hà Nội đạo đức doanh nghiệp ở đâu?

16/10/2019 16:52

Phát hiện dầu loang từ sớm nhưng Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) không báo cáo sự việc mà tự tăng hóa chất xử lý nước. Đây là nguyên nhân khiến người dân sử dụng nước có mùi nồng nặc mà không biết lý do. Thật kinh hãi với cách xử lý vô đạo đức như vậy. Về mặt nào đó là sự “độc ác” với đồng loại.

Vô cảm, vô trách nhiệm khi cung cấp “nước bẩn” cho dân nội đô Hà Nội

Chính quyền xã sở tại thuộc huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình khi đi kiểm tra đã phát hiện vết dầu loang ở gần chân dốc con suối Khại, đoạn chạy qua địa bàn xã Phúc Tiến. Vụ việc được chính quyền địa phương báo cáo lên huyện, tỉnh. Nước từ con suối này chảy thẳng vào hồ Đầm Bài, nơi nhà máy lấy nước xử lý và cung cấp cho người dân.

Theo chính quyền ở đây, khi đến gần suối thì mùi khét lẹt bốc lên khiến nhiều người buồn nôn. Viwasupco thuê mỗi người với giá 400 -500 ngàn đồng/ngày để vớt chỗ váng dầu nói trên. Sau đó, nhiều người bị dị ứng, găng tay bở nát, quần áo giặt không hết mùi khét. Thế mà họ hầu như không hề biết sợ lại im lặng bán nước nhiễm độc cho dân.

Công ty sông Đà thuê người dân vớt dầu thải với giá 500.000 đồng/ngày công từ ngày 9/10
Công ty sông Đà thuê người dân vớt dầu thải với giá 500.000 đồng/ngày công từ ngày 9/10

Khi mà chính quyền còn đang tìm cách giải quyết vấn đề trên, doanh nghiệp trước sự phản án của người dân và báo chí, thì còn đang loay hoay trả lời báo chí một cách đầy biện minh rằng: mùi này chỉ là mùi clo.

“Trong tiêu chuẩn của Bộ Y tế trước đây, hàm lượng clo cho phép trong nước từ 0,3 – 0,5mg/1 lít. Tuy nhiên, tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế là 0,2 – 1mg/1 lít.

Thời gian xử lý, công ty cho nâng hàm lượng clo lên một chút nên nhiều người không quen, nhất là những người mẫn cảm”. Đó là những lời của ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) trả lời báo chí ngày 14/10.

Đến khi ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, nguyên nhân khiến nước sạch từ Viwasupco cung cấp cho nhiều hộ dân tại Hà Nội có mùi lạ là do bị dính dầu. Mới biện minh rằng vào khoảng 12h ngày 9/10/2019, nhân viên bảo vệ phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân.

Cuối cùng thì kết quả như thế nào? Nước sạch Hà Nội nhiễm dầu, đậm clo, tức là một sự cố của nhà máy nước nhưng người dân phải chịu 2 sự nguy hại đó là nhiễm dầu và chỉ số clo tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.

Không chỉ Công ty kinh doanh nước gây ra “sự cố”, sự phản ứng của chính quyền Hà Nội cũng quá chậm trễ. Việc chỉ đạo xử lý của một địa phương và 1 doanh nghiệp cung cấp nước sạch cuối cùng lại đến tay Chính phủ, khi tối muộn ngày 15/10 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, gửi các bộ Công an, Xây dựng, Tài nguyên – môi trường, UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.

Văn bản nêu rõ, những ngày gần đây, dư luận phản ánh có tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà không đảm bảo chất lượng.

Việc cung cấp nước sạch không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực tây nam thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.

Yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong khu vực nêu trên.

Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên – môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Dòng nước nhiễm bẩn đổi màu thấy rõ, nhưng nhà máy nước Sông Đà vẫn lấy vào.
Dòng nước nhiễm bẩn đổi màu thấy rõ, nhưng nhà máy nước Sông Đà vẫn lấy vào.

Cách hành xử vô đạo đức của Công ty nước sạch sông Đà

Khi báo chí loan tin, Công ty nước sạch sông Đà cũng không hề trả lời kịp thời, thậm chí không chủ động thông báo cho khách hàng, khiến cư dân nhiều quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông hoang mang nháo nhác đi mua nước bình, không dám dùng nước máy. Họ biện minh phải chờ đoàn liên ngành yêu cầu báo cáo nên thời điểm này mới làm và khẳng định nước vẫn an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Tất cả những gì Hà Nội làm trong những ngày qua kể từ khi người dân phát hiện sự cố là cử một đoàn liên ngành đánh giá chất lượng nước sông Đà. Tuy nhiên cũng không hề đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho người dân sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và giải pháp xử lý nước bốc mùi đã bán cho người dân ra sao?

Thiệt hại rõ mười mươi, người dân nháo nhác, khốn khổ, cuộc sống đảo lộn mà chính quyền thì chậm trễ, thờ ơ. Ai sẽ bảo vệ người dân nếu có những thảm họa không được cảnh báo kịp thời? Ai sẽ bảo vệ người dân nếu các công ty cung cấp dịch vụ thiết yếu làm ăn vô đạo đức? Nhịn ăn cả tuần còn sống được chứ không ai nhịn uống được để tồn tại.

Hãy dừng lại một chút và nhìn vào báo cáo tài chính giữa niên độ (đã được soát xét) của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho thấy, trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này “gặt” về 263,7 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 22,4% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018.

Giá vốn tăng, song Viwasupco vẫn đạt được 150,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 27% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, chi phí tài chính cũng giảm, chí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khá mạnh, tuy nhiên, lợi nhuận thuần vẫn đạt 133,4 tỷ đồng, tăng hơn 31% cùng kỳ.

Cộng thêm khoản lợi nhuận khác khá khiêm tốn, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Viwasupco vẫn ở mức 133,4 tỷ đồng và lãi sau thuế 126 tỷ đồng, tăng tương ứng 31% so với nửa đầu năm 2018.

Với con số này và thực tế hiện đang xảy ra trên địa bàn thì đây có phải là hành động “Thu tiền thật, bán nước bẩn” là một hành động kinh doanh không có đạo đức hay không?

Từ thế kỷ XIX, một học giả tư sản người Anh đã chỉ ra sức cám dỗ không thể cưỡng lại của lợi nhuận đối với nhà tư bản. Kinh doanh để có lợi nhuận là mục đích chính đáng, song việc kiếm lợi bằng mọi giá, không từ thủ đoạn nào, gây phương hại cho cộng đồng, thì các nhà chức trách phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Bản thân người làm kinh doanh cũng phải tìm mọi cách hiểu, “giác ngộ” một chân lý: muốn phát triển bền vững, phải đặt đạo đức làm đầu.

Hồng Đinh

Đọc nhiều