262
topics
562643

Thu phí xe ô tô vào trung tâm TP.HCM: 3 vấn đề cần làm trước

02/11/2021 08:54

Sở GTVT TP.HCM cho biết về vấn đề thu phí các xe ô tô vào trung tâm TP.HCM, hiện nay nhà đầu tư mới đề xuất với Sở GTVT và UBND TP.HCM. Sở GTVT đã trình UBND TP, các sở, ngành để tiến hành tham mưu UBND TP xem xét, quyết định.

Sau khi có kết quả, sở sẽ hướng dẫn Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (gọi tắt là Công ty Tiên Phong) lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thu phí trong giờ cao điểm

Theo đề xuất của Công ty Tiên Phong về thu phí xe vào trung tâm TP, dự kiến thời gian thu phí tính theo giờ cao điểm, từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 15 giờ đến 19 giờ. Trong đó, mức phí thu dự kiến là 40.000 đồng cho xe con tiêu chuẩn và 70.000 đồng cho xe tải, xe khách khi lưu thông vào trung tâm, không thu phí xe đi ra. Miễn phí đối với xe buýt và các loại xe ưu tiên quy định trong thu phí sử dụng đường bộ như xe cứu hỏa, xe cứu thương… Đối với taxi có đăng ký tại TP sẽ được tạm giảm 20.000 đồng/xe.

Công ty này xây dựng hệ thống thu phí bao gồm vành đai khép kín quanh khu vực trung tâm TP gồm quận 1, quận 3 theo công nghệ thu phí đa làn không dừng.

Các cổng thu phí được bố trí trên một vành đai khép kín quanh khu vực trung tâm TP. Vành đai khép kín này bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa, Nguyễn Phúc Nguyên, Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng. Bên cạnh đó, khu vực thu phí cũng được bố trí tại các đoạn đường có tình trạng ùn tắc nghiêm trọng là Trường Sơn, Cộng Hòa.

3 vấn đề cần làm trước khi thu phí xe ô tô vào trung tâm TP.HCM.

Theo Công ty Tiên Phong, việc thu phí có mục đích điều tiết giao thông vào các khu vực đang ùn tắc, giảm ùn tắc giao thông trên các trục chính nối khu vực trung tâm TP. Đồng thời bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ của TP, thúc đẩy người dân sử dụng xe giao thông công cộng và các xe có hiệu quả sử dụng đường cao.

Quay lại từ đầu sau 10 năm

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty Tiên Phong, cho biết đến nay dự án đã qua hơn 10 năm từ lúc đề xuất. Mấy năm trước, UBND TP quyết định lấy ngân sách ra triển khai, còn bây giờ UBND TP đề nghị nhà đầu tư làm tiếp.

Các số liệu thì đều giống như kế hoạch trước đây TP dự kiến làm. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chỉ là bước nghiên cứu đề xuất và tất cả phải làm lại từ đầu.

Trong thủ tục đầu tư có các bước: Đề xuất dự án, duyệt đề xuất dự án; nghiên cứu khả thi, duyệt nghiên cứu khả thi; duyệt dự án triển khai… “Sau hơn 10 năm, chúng ta đang quay trở lại bước đề xuất, nghĩa là quay về từ đầu. Dù sao cũng có thuận lợi khi đã có các số liệu từ trước, cách tính từ trước nhưng tình hình giao thông bây giờ đã khác nên đều phải nghiên cứu lại” – ông Quân nói.

Về câu hỏi khi nào dự án được triển khai thì ông Quân cho rằng chắc phải cần thời gian dài. “Mặt khác, hiện nay giao thông công cộng, xe buýt thì đang thua lỗ, tiền không có, Nhà nước hỗ trợ xe buýt cũng hạn chế hơn, vận hành metro cũng tốn rất nhiều chi phí. Vậy chúng ta lấy tiền ở đâu để làm giao thông công cộng? Câu hỏi này chúng ta cần phải tính tới” – ông Quân bày tỏ.

Cần phát triển giao thông công cộng trước một bước

TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thu phí vào trung tâm TP, một phần để hạn chế xe cá nhân, nó cũng mang tính điều tiết, còn hiệu quả như thế nào thì phụ thuộc vào cách làm. Ở một số quốc gia như Singapore vẫn làm và họ dùng công nghệ để thu phí.

“Tôi không phản đối việc thu phí nhưng cách làm như thế nào, triển khai ra sao chúng ta cần minh bạch. Còn về lâu dài, nhu cầu đi xe cá nhân vào trung tâm TP là luôn hiện hữu, chúng ta phải tìm cách đáp ứng” – TS Hùng nhấn mạnh.

TS Hùng cho rằng nếu chúng ta làm không khéo, trung tâm TP sẽ mất sức hút về phát triển khi nhu cầu đi lại không được đáp ứng đầy đủ. Chúng ta phải thấy trung tâm TP là nơi tập trung dân văn phòng, kinh tế, tài chính… Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu, có phản biện, có góp ý cụ thể của nhiều bên, chuyên gia, người dân, tổ chức… để tránh các hệ quả không tốt sau này.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng có ba vấn đề quan trọng TP cần phải làm trước khi tính toán đến việc thu phí xe cá nhân vào trung tâm TP.

3 vấn đề cần làm trước khi thu phí xe ô tô vào trung tâm TP.HCM - ảnh 1
Sơ đồ các tuyến đường tạo thành vành đai khép kín trung tâm TP.HCM.

Cụ thể, thứ nhất, TP cần tổ chức mạng lưới giao thông công cộng để thuận lợi cho người dân đi lại. Thứ hai, TP cần tính toán đến việc tăng phí giữ xe ở trung tâm TP cũng góp phần hạn chế xe cá nhân. Nhiều nước đã làm và mang lại hiệu quả. Còn việc làm vành đai thu phí thì khá tốn kém ngân sách và chưa thể làm được ngay.

Thứ ba, giải pháp đưa các trung tâm, dịch vụ thương mại ra ngoài trung tâm TP cũng là một biện pháp để giảm ùn tắc ở trung tâm TP. Nhà nước có thể khuyến khích việc di chuyển ra ngoại ô bằng cách giảm thuế cho doanh nghiệp. Như vậy, các xe giao thông không còn tập trung vào trung tâm TP.

“Trong hoàn cảnh hiện nay thì việc thu phí các xe vào trung tâm TP không phải là điều quan trọng nhất, có thể thu phí sẽ đẩy chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp. Theo đó, TP cần tính toán thực hiện ba nội dung trên, sau đó mới tính đến việc thu phí các xe vào trung tâm TP” – ông Sơn góp ý.

Hơn 10 năm đề xuất đầu tư

Tháng 12-2009, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Tiên Phong tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với các loại ô tô ra vào khu vực trung tâm TP.

Tháng 1-2010, Văn phòng Chính phủ có thông báo của phó thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông. Tháng 5-2010, chủ đầu tư đề xuất dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP. Tháng 8-2010, UBND TP chấp thuận về nguyên tắc và cách thức nghiên cứu đã được nhà đầu tư báo cáo.

Tháng 1-2011, đề cương chi tiết giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án đã được Sở GTVT thông qua. Nhà đầu tư đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở GTVT lấy ý kiến ban ngành để hoàn thiện.

Tháng 1-2017, chủ đầu tư đề xuất tiếp tục nghiên cứu khả thi của dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông. Tháng 4-2017, UBND TP.HCM đồng ý chủ trương cho Công ty Tiên Phong tiếp tục nghiên cứu khả thi theo quy định đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Tháng 8-2017, chủ đầu tư có tờ trình kèm theo hồ sơ đề xuất dự án.

Tháng 4-2018, chủ đầu tư có văn bản hoàn chỉnh báo cáo và trình duyệt đề xuất dự án trên. Tháng 9-2018, có 7/10 đơn vị có ý kiến góp ý về dự án trên.

Năm 2020, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP, trong đó có giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm.

Nguyễn Anh 

Đọc nhiều