419
category
431782

Thủ đoạn xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội 13

Bảo An 20/09/2020 18:07

Càng đến gần Đại hội 13, hoạt động chống phá, xuyên tạc công tác nhân sự Đại hội của Đảng càng diễn ra một cách táo tợn. Các đối tượng cố tình bóp méo thông tin, tình hình về công tác nhân sự để gây nhiễu loạn thông tin, chống phá Đại hội.

Thông tin xuyên tạc công tác nhân sự tiếp tục được tung ra

Từ trước đến này, chuyện ai “lên ngôi”, ai về “ở ẩn” trên chính trường vẫn luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Lợi dụng vấn đề này, trước mỗi kỳ Đại hội, khi vấn đề nhân sự lãnh đạo các cấp được đưa ra bàn luận, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị lại tận dụng để tô vẽ, từ đó xuyên tạc vấn đề.

Thủ đoạn xuyên tạc vấn đề nhân sự

Câu chuyện nhân sự trong bộ máy Nhà nước từ trước đến nay vẫn luôn thu hút được sự quan tâm, chú ý của toàn thể cộng đồng. Với những người làm công tác nhân sự, việc quy hoạch ai, lựa chọn người nào để đề cử ra trước nhân dân, trước Quốc hội là một điều hết sức khó khăn. Với người dân, việc ai “lên ngôi”, ai về “ở ẩn” cũng là điều khiến không ít người tò mò. Về phía các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, vấn đề nhân sự lại là mảnh đất  màu mỡ để tiến hành tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chính quyền.

Như một quy luật, khi Đảng, Nhà nước bắt đầu chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, các thế lực thù địch, chống đối cũng ráo riết tiến hành việc xuyên tạc, bịa đặt tình hình, nhào nặn thông tin về công tác cán bộ để chống phá chính quyền. Lướt qua những trang truyền thông của các tổ chức, cá nhân phản động, chống đối và các trang báo có cái nhìn thù hằn với Việt Nam như Việt Tân, Chân trời mới, RFA hay BBC, không ít bài viết liên quan đến công tác nhân sự của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được đưa ra. Muôn vàn kiểu xuyên tạc, muôn ngàn chuyện “thâm cung bí sử” đã được tung ra. Rõ ràng, khi những thông tin trên tiếp cận với dư luận, không ít người sẽ bị mắc bẫy, gây ra rất nhiều hệ luỵ tiêu cực.

Về nhân sự trong Đại hội XIII, một luận điệu vô cùng nguy hiểm và độc địa được các đối tượng tích cực rêu rao, tuyên truyền đó là công cuộc “đốt lò” (cuộc đấu tranh chống lại các đối tượng tham nhũng) chỉ là một “chiêu trò” để đấu đá nội bộ, là một phương thức để hạ bệ, triệt loại đối thủ khỏi “đường đua” nhân sự trước Đại hội XIII.

Ở một góc độ khác, các đối tượng liên tục bịa đặt thông tin, hướng lái dư luận về việc “chia bè, kéo cánh”, tranh giành quyền lực trong bộ máy nhà nước. “Cuộc chiến quyền lực” được các đối tượng vẽ ra đầy màu sắc và vô cùng gay cấn, nảy lửa. Vì “thâu tóm quyền lực”, ông này không ngần ngại “chọc ngoáy” ông kia. Người ta không ngần ngại chặt đứt “vây cánh”, bao vây, cô lập “đối thủ” và dần dần đá bay đối thủ ra khỏi đường đua quyền lực. Gần đây, Việt Tân và một số đối tượng phản động lại tung ra luận điệu “2 phe Trọng – Phúc tranh cãi, bà Ngân có cơ hội ngồi ghế Tổng Bí Thư”.

Ngoài ra, những bài nói, bài viết, thông tin lệch lạc liên quan đến nhân thân, sự nghiệp của cán bộ lãnh đạo cũng được các đối tượng tích cực đăng tải. Những thông tin này đánh thẳng vào nhận thức của người dân, khiến người dân hoài nghi, thậm chí là mất niềm tin vào cá bộ. Thực ra, đây không phải là luận điệu mới, nó đã được các đối tượng thù địch, phản động, chống đối đưa ra rất nhiều lần. Vậy nhưng với sự tò mò, không ít người dân vẫn bị đánh lừa.

Cùng với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt như trên, trong nhiều bài viết, các đối tượng cũng tích cực tung hoả mù về nhân sự cấp cao của khoá tới. Trong bối cảnh các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương mới bắt đầu chuẩn bị về nhân sự, không ít trang thông tin đã “vẽ” ra các “chân dung quyền lực”. Vị trí cho những chiếc ghế “tam trụ”,  “tứ trụ” của “triều đình” đã được không ít người đưa ra. Và hiển nhiên, đi liền với việc “lên ngôi” của quan chức lãnh đạo là rất nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” đầy màu sắc.

Cẩn trọng đánh giá thông tin

Các thông tin được các đối tượng đưa ra không hề có căn cứ, cơ sở. Thậm chí, nhiều thông tin thể hiện sự bịa đặt một cách trắng trợn, biến không thành có. Với những người có bản lĩnh chính trị, có hiểu biết về hoạt động của bộ máy nhà nước thì sẽ không khó để nhận ra sự xuyên tạc trong các thông tin trên. Vậy nhưng với những ai không thường xuyên quan tâm đến chính trị thì sẽ rất dễ bị mắc bẫy thông tin của các đối tượng thù địch. Thông qua những câu chuyện “thâm cung bí sử”, thông qua những “dự đoán” đầy màu sắc về các vị trí quyền lực của đất nước, các đối tượng kích thích sự tò mò của dư luận, từ đó dần dần hướng lái dư luận đi theo quỹ đạo thông tin sai lệch mà chúng vạch ra, hình thành tư tưởng hoài nghi, thậm chí là mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Việc lợi dụng sự kiện để xuyên tạc tình hình đất nước không phải là vấn đề mới. Với ý thức chống phá, các đối tượng không từ bất cứ thủ đoạn gì để có thể gây ra phương hại cho nhà nước. Đồng thời, việc tuyên truyền xuyên tạc, chống phá các sự kiện lớn của đất nước cũng là một cơ hội để kiếm tiền của các đối tượng dân chủ. Do vậy, không ít kẻ tích cực “vắt óc” nghĩ ra các chuyện “hậu trường”, “thâm cung bí sử” để tung lên mạng.

Dù các thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhanh chóng bị vạch trần, bóc mẽ nhưng khi được tung ra ít nhiều đều gây ra các hệ luỵ tiêu cực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, chúng ta phải vô cùng cảnh giác để tránh mắc bẫy của những kẻ chống đối, bị “dắt mũi” bởi các thông tin sai lệch.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều