7
category
473775

Thống tướng Min Aung Hlaing – người đứng sau chính biến Myanmar là ai?

04/02/2021 10:03

Cộng đồng quốc tế đang hồi hộp dõi theo những tín hiệu từ người đứng đầu quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, sau cuộc chính biến gây chấn động vào rạng sáng 1/2.

Với thông báo tình trạng khẩn cấp ngày 1/2, toàn bộ quyền lực ở Myanmar một lần nữa được thu về quân đội. Thống tướng Min Aung Hlaing nắm quyền điều hành đất nước trong ít nhất một năm tới.

Trước đó, quân đội từng nắm toàn bộ quyền lực tại Myanmar trong gần 5 thập niên, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 1962.

Sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 với chiến thắng thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), quân đội vẫn duy trì vai trò to lớn trong hệ thống chính trị Myanmar nhờ vào các nội dung trong hiến pháp.

Dưới sự bảo hộ của hiến pháp, phe quân đội được cơ cấu 25% ghế tại quốc hội – con số đủ để phủ quyết bất kỳ dự luật nào. Các vị trí quan trọng trong nội các gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề Biên giới đều do quân đội quyết định.

Đặc biệt, Điều 417 của Hiến pháp Myanmar còn trao cho tổng tư lệnh quân đội Myanmar quyền kiểm soát toàn bộ các nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp (chính phủ) nếu chủ quyền đất nước bị đe dọa.

Thăng tiến trong âm thầm

Thống tướng Min Aung Hlaing, 64 tuổi, từng học ngành luật tại Đại học Yangon từ năm 1972 đến năm 1974. Tuy nhiên, ông chọn làm “người ngoài cuộc” khi phong trào biểu tình đòi dân chủ của sinh viên Myanmar nổ ra trong cùng giai đoạn.

“Ông ấy rất kín tiếng và thường tránh để cho lai lịch bị chú ý”, một bạn học cũ của tướng Min Aung Hlaing trả lời Reuters vào năm 2016.

Trong khi những sinh viên đồng trang lứa xuống đường biểu tình, ông Min Aung Hlaing gửi đơn xin vào một trường chuyên đào tạo sĩ quan cao cấp – Học viện Quốc phòng (DSA). Đến lần nộp đơn thứ 3 thì ông trúng tuyển.

Một trong những bạn học cũ ở DSA tiết lộ vị thống tướng khi còn học tập ở học viện không thể hiện năng lực vượt bậc.

“Ông ấy thăng tiến bình thường, không quá nhanh”, người này chia sẻ. Ông nói rất bất ngờ khi thấy bạn học cũ tiến xa hơn quân hàm sĩ quan tầm trung trong các cấp chỉ huy quân đoàn.

Tướng Min Aung Hliang kế nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất trong quân đội Myanmar từ ông Than Shwe vào năm 2011, khi tiến trình chuyển giao dân chủ vừa bắt đầu.

Theo các nhà ngoại giao, trước khi đảng NLD giành chiến thắng vào năm 2015 và bà Aung San Suu Kyi trở thành lãnh đạo không chính thức với vị trí cố vấn nhà nước, Thống tướng Min Aung Hlang đã nỗ lực đổi mới bản thân.

Từ một người lính kín tiếng, ông trở thành một chính trị gia sôi nổi và là nhân vật của công chúng.

Giới quan sát nhận thấy ông sử dụng mạng xã hội nhiều hơn, cụ thể là Facebook, để công khai các hoạt động và những cuộc gặp với chức sắc các nước.

Ông cũng thường có các chuyến thăm đền chùa ở Myanmar. Tài khoản Facebook của ông có hàng trăm nghìn người theo dõi. Nhưng tài khoản này đã bị gỡ bỏ năm 2017.

Quyết giữ quyền lực cho quân đội

Tiết lộ với Reuters, các nhà ngoại giao và nhà quan sát chính trị Myanmar cho biết tướng Min Aung Hliaing đã tìm hiểu rất nhiều về tiến trình chuyển giao dân chủ ở các nước khác.

Ông là nhân tố quan trọng giúp Myanmar tránh đi vào vết xe đổ của Libya và một số quốc gia Trung Đông, vốn đang chìm trong hỗn loạn sau những chính biến của phong trào “Mùa Xuân Arab” năm 2011.

Vị thống tướng Myanmar chưa từng thể hiện ý định từ bỏ số ghế của quân đội trong quốc hội. Ông cũng phản đối việc chỉnh sửa hiến pháp vào năm 2018, khi đảng NLD muốn tìm cách đưa bà Suu Kyi lên làm tổng thống chính thức.

Thống tướng Min Aung Hlaing từng khiến giới quan sát bất ngờ vào năm 2016 khi tiếp tục trụ ở vị trí quyền lực nhất quân đội Myanmar, kéo dài nhiệm kỳ thêm 5 năm.

Điều này đi ngược lại truyền thống thay đổi lãnh đạo quân đội thường kỳ.

Không lâu sau đó, lực lượng vũ trang Myanmar bị cáo buộc tiến hành nhiều chiến dịch chống ly khai, khiến hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh.

Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên tướng Min Aung Hlaing và 3 lãnh đạo khác trong quân đội Myanmar vào năm 2019.

Cùng năm đó, các điều tra viên Liên Hợp Quốc công khai báo cáo kêu gọi cộng đồng quốc tế siết chặt lệnh trừng phạt cho những công ty có liên hệ với quân đội Myanmar về những chiến dịch nói trên.

Giữa bối cảnh phe quân đội mất dần uy tín, cuộc tổng tuyển cử năm 2020 mang về chiến thắng áp đảo cho NLD và bà Aung San Suu Kyi.

Tuy nhiên, phe quân đội lập tức cáo buộc bầu cử xảy ra gian lận.

Thống tướng Min Aung Hlaing tuần qua cũng tuyên bố sẵn sàng dùng đến phương án “hủy bỏ” hiến pháp năm 2008 – văn bản đã mở ra tiến trình chuyển giao dân chủ và từ bỏ quyền lực bao trùm của quân đội – nếu cảm thấy cần thiết.

Thanh Danh

Tags :
Đọc nhiều