Thông điệp của Việt Nam tại Liên hợp quốc

21/09/2020 10:00

Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của Liên hợp quốc (LHQ), là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của Liên hợp quốc, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần”

Từ ngày 21/9 đến 2/10, Tuần lễ Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ bao gồm Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc và các sự kiện cấp cao bên lề khác sẽ diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp quan trọng gửi đến các hội nghị này.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 24/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ gửi thông điệp đến “Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ”.

Ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ gửi thông điệp đến “Phiên kỷ niệm Cấp cao 75 năm thành lập LHQ”. Ngày 1/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ gửi thông điệp đến “Phiên Cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ IV”. Ngày 2-10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ gửi thông điệp đến “Phiên Cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế về loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân”.

Nói thêm về tuần lễ cấp cao này, Đại sứ Đặng Đình Quý – Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ, Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ sẽ bắt đầu với lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc với chủ đề “Tương lai mà chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với chủ nghĩa đa phương. Việt Nam là một đối tác mạnh của LHQ và trên thực tế đã có sự tham gia rất tích cực ngay từ những ngày đầu và giờ đây tham gia ngày càng tích cực hơn, bắt đầu đóng góp cho LHQ, kể cả nguồn lực.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ đã góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ. Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.

Với những đóng góp của mình, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ 2008-2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Trong thời gian này, Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ủng hộ Nghị quyết của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh – một nghị quyết có tính chất lịch sử của LHQ.

Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193. Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ như: Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội (ECOSOC), tích cực tham gìn giữ hòa bình LHQ…

Ủng hộ hoà bình bền vững

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận xét, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững. “Việt Nam luôn là đối tác mạnh nhất của LHQ kể từ khi gia nhập năm 1977. Lực lượng quân đội của Việt Nam đã tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình phát triển bền vững 2030.

Tầm nhìn và khát vọng của các mục tiêu phát triển bền vững sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta phục hồi sau đại dịch COVID-19. Với tư cách là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững”, Tổng thư ký LHQ Atonio Guteres khẳng định.

Cho đến nay, có thể chia khoảng thời gian Việt Nam gia nhập LHQ thành  5 giai đoạn. Giai đoạn 1977-1986, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ và vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, từng bước khôi phục sản xuất. LHQ đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD. Hợp tác với LHQ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với LHQ tạo điều kiện để ta tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.

Sang giai đoạn 2 (1986-1996), Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, theo đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiến hành đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội. Trong giai đoạn này, viện trợ không hoàn lại của LHQ cho Việt Nam đạt trên 630 triệu USD. Các dự án hợp tác là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới; đồng thời LHQ tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, và giải quyết các vấn đề xã hội khác của Việt Nam.

Ở giai đoạn 1997-2011, LHQ dành ưu tiên cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; và điều phối viện trợ, quản lý nhà nước và huy động nguồn lực.

Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, LHQ chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, tổ chức hàng năm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ v.v… Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, tranh thủ diễn đàn LHQ làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống LHQ, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Giai đoạn hợp tác 2012-2016, trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất Hành động – Một LHQ (DaO), Chính phủ Việt Nam và LHQ đang tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung tiếp theo của LHQ giai đoạn 2012-2016, phù hợp với dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (SEDP) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (SEDS) của Việt Nam. Kế hoạch chung này ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm chính là: chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công. Một cấu phần quan trọng của Sáng kiến thống nhất hành động – Một LHQ là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung LHQ tại Hà Nội. Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Nay, chương trình hợp tác giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và LHQ trong khuôn khổ Sáng kiến Một LHQ đã cơ bản được xây dựng xong và đã trình Chính phủ Việt Nam chờ chính thức thông qua. Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Chương trình bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư vào con người; Đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; Thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; Tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC cập nhật) và sẽ nộp tài liệu này cho Ban thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC)…

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định phương châm và định hướng lớn của hoạt động đối ngoại của Việt Nam là “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Và sự tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào LHQ cũng chính là cách để Việt Nam tự giúp mình có thêm tiếng nói, tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, để không “ai bị bỏ lại ở phía sau”.

S.Thương/CAND

Đọc nhiều