Thời kỳ giàu có, no đủ của Pháp đã chấm dứt

Lan Hoa 30/08/2022 08:07

Phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên sau kỳ nghỉ hè, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng kêu gọi người dân chấp nhận hy sinh nhiều hơn trong thời gian tới, bởi “thời kỳ giàu có, no đủ của nước Pháp đã chấm dứt”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Trong thông điệp gửi đến người dân, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, Pháp đang sống trong một thời kỳ biến động “ghê gớm”. Theo đó, Pháp đang gánh chịu những cuộc khủng hoảng nối nhau liên tiếp và mỗi cuộc khủng hoảng sau lại tồi tệ hơn khủng hoảng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc xung đột Nga – Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.

Về mặt khí hậu, nước Pháp hiện đang đối mặt với thời kỳ hạn hán được xem là lớn nhất trong vòng 500 năm qua. Tháng 7 vừa qua, Pháp chỉ ghi nhận lượng mưa trung bình ở mức 9,7 mm, trở thành tháng khô hạn nhất ở nước này kể từ năm 1959. Chính quyền đã phải ban bố cảnh báo “nóng cực đoan” và hạn hán khắp cả nước khi tình trạng này không có dấu hiệu kết thúc.

Cháy rừng xảy ra liên tục tại Pháp, Tây Ban Nha…

Đến nay, 90 trên tổng số 96 tỉnh thành tại Pháp được đặt trong tình trạng báo động về hạn hán. Đa số các tỉnh thành đã ra các sắc lệnh chưa từng có là yêu cầu tiết kiệm nước và chỉ sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu.

Việc sử dụng nước để tưới cây, duy trì không gian xanh, sân gôn và rửa xe đã bị hạn chế hoặc bị cấm. Tại một số nơi, các hành vi vi phạm có thể chịu mức phạt lên đến 450 Euro. Việc thiếu nước cũng đã ảnh hưởng mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp khi làm giảm ít nhất 50% hoạt động đầu tư sản xuất. Nắng nóng cùng khô hạn đã làm các loại hoa quả, lúa mì hay ngũ cốc… chín sớm và bị giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, các cảnh báo về cháy rừng tiếp tục được tăng cường tại nhiều khu vực ở Pháp như tại các dãy núi Vosges và Jura, sườn phía tây của dãy Alps hay tại các tỉnh như Finistère, Creuse, Aveyron, Vaucluse hay Haute-Corse… Các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng hay cắm trại hè gần như đã bị cấm hoàn toàn.

Theo số liệu thống kê, đợt nắng nóng kéo dài giữa tháng 7 vừa qua đã thiêu rụi gần 21.000 ha rừng tại tỉnh Gironde ở phía Tây nước Pháp, đồng thời khiến khoảng 36.000 người phải đi sơ tán.

Không dừng lại, nền kinh tế Pháp và nhiều nước châu Âu cũng rơi vào tình trạng ảm đạm và đang đứng trước bờ vực suy thoái do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao.

Thực tế, hoạt động kinh tế của Pháp trong tháng 8/2022 đã giảm hai tháng liên tiếp. Đà sụt giảm khởi đầu từ ngành sản xuất, một phần do nguồn cung nguyên liệu thô bị hạn chế, giờ đây đã lan sang các ngành dịch vụ.

Tại Pháp, dù không chịu tác động quá lớn của cuộc khủng hoảng năng lượng do năng lượng hạt nhân hiện bảo đảm 70% nhu cầu điện. Nhưng, Pháp lại phải đối mặt với một thách thức không hề nhỏ khác, đó là vấn đề tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân.

Kinh tế Pháp suy thoái trầm trọng

Tăng trưởng GDP của Pháp tăng 0,5% trong quý 2, thấp hơn so mặt bằng chung của các quốc gia châu Âu khác. Chính phủ đã đưa ra một gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 20 tỷ Euro, bao gồm cắt giảm thuế tại các trạm bơm xăng, đồng thời giới hạn mức tăng giá điện theo quy định ở mức 4%.

Đặc biệt hơn, du lịch xưa nay là điểm sáng hiếm hoi của nước Pháp, nhưng giờ đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu lao động cực độ bởi các chính sách về lương thưởng, phúc lợi xã hội.

Nhiều cuộc khủng hoảng kép liên tiếp xảy ra gần như muốn đánh gục nước Pháp. Điều này càng thấy rõ qua tuyên bố cách đây ít ngày của Tổng thống Emmanuel Macron: “Thời điểm mà chúng ta đang sống dường như được tạo nên bởi chuỗi các cuộc khủng hoảng, cái sau tồi tệ hơn cái trước. Về phần mình, tôi tin rằng, thời kỳ giàu có, no đủ, vô lo vô nghĩ của chúng ta đã chấm dứt”.

Nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng trước mắt, Tổng thống Macron kêu gọi người dân Pháp đoàn kết, nỗ lực và chấp nhận hy sinh nhiều hơn. Về phía Chính phủ Pháp, ông yêu cầu các quan chức Chính phủ cần hành động nghiêm túc, tạo dựng niềm tin cho dân chúng và tránh các khẩu hiệu mị dân.

Lan Hoa

Đọc nhiều