Thời khắc lịch sử, định hình vị thế Trung Quốc trong tương lai

Bảo Trâm 14/10/2022 13:23

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đã chính thức được khởi động từ ngày 13/10, sau Đại hội sẽ xác định bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc trong 5 năm tới. Đây được cho là sự kiện quan trọng không chỉ với Trung Quốc mà còn với thế giới.

Ông Tập Cận Bình tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: AP

Đại hội XX lần này sẽ nhìn lại những gì đã đạt được trong 5 năm qua, vạch ra lộ trình tương lai và bầu ra ban lãnh đạo mới. Theo SCMP, đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu thế kỷ thứ hai của Trung Quốc.

Quy mô Đại hội

Tham dự Đại hội XX, các đại biểu sẽ bầu khoảng 200 thành viên có quyền biểu quyết vào Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với khoảng 170 ủy viên dự khuyết, theo SCMP.

Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương mới, được tổ chức một ngày sau khi đại hội kết thúc, sẽ chọn ra 25 thành viên cho Bộ Chính trị. Sự kiện được theo dõi nhiều nhất sẽ là màn ra mắt của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan cấp cao nhất với dự kiến có 7 thành viên.

Gần 2.300 đại biểu tham dự Đại hội XX

Tổng cộng, có 2.296 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên và 4,9 triệu tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc được bầu tham dự Đại hội đảng XX của đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ sẽ tới làm việc tại Đại lễ đường Nhân dân trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Đại hội XX được coi là hoạt động quan trọng nhất trong đời sống chính trị của Trung Quốc. Đại hội sẽ đưa ra những chỉ dấu về hướng đi mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thực hiện trong thời gian tới và mức độ ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình.

Đại hội XX cũng là sự kiện mang tính bước ngoặt mà tại đó Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến tiếp tục nắm quyền sau 2 nhiệm kỳ, điều chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc. Đại hội cũng có thể chứng kiến sự thay đổi sâu rộng về giới lãnh đạo chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc, đồng thời bổ nhiệm những nhân vật có tác động đến chính sách kinh tế, ngoại giao, an ninh và xã hội trong ít nhất 5 năm tiếp theo.

Chiến dịch chống tham nhũng vẫn tiếp tục

Kể từ khi nắm giữ chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện công cuộc chấn hưng đảng thông qua chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, nhằm thanh trừng các nhân vật tham nhũng. Ngay trước thềm Đại hội XX, Bắc Kinh cũng đẩy nhanh việc xét xử “băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân”.

Vào thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng là đến Đại hội, 5 “hổ công an” và “hổ chính trị pháp luật” bị cáo buộc tham gia “băng đảng chính trị của Tôn Lực Quân” và kẻ chủ mưu Tôn Lực Quân đã lần lượt bị kết án nghiêm khắc. Đây không chỉ là một minh chứng cho kết quả chiến dịch làm trong sạch hệ thống chính trị và pháp luật trước thềm Đại hội đảng, mà còn phát đi tín hiệu rõ ràng và đầy tính răn đe của lãnh đạo Trung Quốc trong việc dẹp bỏ các băng nhóm, bè phái trong đảng.

Trong ngày 22/9, một ấn phẩm do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ Trung Quốc công bố đã nêu đích danh 6 quan chức cấp cao bị “ngã ngựa”, và cảnh báo rằng sẽ không có chuyện miễn tội, khi nào cần “thi hành án tử hình sẽ thi hành, khi nào cần quét sạch sẽ quét sạch”. 6 “con hổ lớn” gồm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài và Lệnh Kế Hoạch.

Thường vụ Bộ Chính trị sẽ thay đổi?

Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dự đoán, nhiều khả năng ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, sẽ nắm giữ 3 chức vụ quan trọng: Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy TƯ và Chủ tịch nước. Dự kiến, ông sẽ chính thức đảm nhận 2 chức vụ đầu tiên tại Đại hội lần này và chức Chủ tịch nước tại kỳ họp “Lưỡng hội” hàng năm, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2023.

Một kỳ họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Với việc giữ chức Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập Cận Bình sẽ phá vỡ thông lệ của hai người tiền nhiệm về việc nắm quyền không quá 10 năm, tương đương 2 nhiệm kỳ.

Trước đó, hiến pháp Trung Quốc đã được quốc hội sửa đổi vào năm 2018, theo đó đã xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước. Nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập khẳng định sự kiểm soát vững chắc của ông đối với đảng và nhà nước, và ông sẽ tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng sau Đại hội 20, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào ngày 15-16/11 và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan sau đó 1 ngày.

Đại hội sẽ tổng kết công tác của đảng trong 5 năm qua, những thành tựu và kinh nghiệm của Ban Chấp hành Trung ương đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo SCMP.

Bên cạnh đó, đại hội cũng sẽ đánh giá kỹ lưỡng tình hình trong nước và quốc tế, nắm được những yêu cầu mới đối với sự nghiệp phát triển của đảng và đất nước trên chặng đường mới của thời kỳ mới, cũng như những kỳ vọng mới của nhân dân.

Đại hội sẽ đề ra các chương trình hành động, các chủ trương lớn, động viên toàn thể đảng viên và nhân dân các dân tộc trên cả nước kiên định niềm tin vào lịch sử, sáng tạo trên cơ sở những việc đã làm được và đi trước đón đầu.

Bảo Trâm (Theo SCMP)

Đọc nhiều