8
category
439127

Cuộc gọi cuối của tướng Man khi đi cứu nạn Rào Trăng 3

Hồng Anh 15/10/2020 18:45

Vào lúc 18h, theo nguồn tin của PV tại hiện trường, cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể của 12 nạn nhân. Trong đó có thi thể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân Khu 4.

Những thi thể vừa tìm kiếm được sẽ được cơ quan chức năng đưa lên xe cứu thương và chở về Bệnh viện Quân y 286 tại TP.Huế ngay trong đêm nay (15/10).

Xe cứu thương đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường.

Ngoài ra, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm tại hiện trường để đưa những thể còn lại ra khỏi đống đổ nát.

Theo tin từ hiện trường, như vậy đến tối 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 12 thi thể nạn nhân tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ và đã đưa ra ngoài. Danh tính các nạn nhân đang lần lượt được xác định.

Dự kiến tang lễ chung cho các nạn nhân sẽ được tổ chức ở Nhà tang lễ 268 thuộc Bệnh viện Quân y 268, đường Mang Cá, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày mai 16/10.

Cuộc gọi cuối của tướng Man trong đêm định mệnh 

Đêm 12/10, đại tá Hoàng Xuân Vĩnh – Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình – gọi điện cho tướng Man hỏi thăm tình hình. Bên kia đầu dây có tiếng mưa và gió. Giọng vị Phó tư lệnh bị ngắt quãng do sóng điện thoại yếu.

– “Tôi đang đi vào trong, mưa gió lắm nên khả năng không ra dự đại hội với tỉnh được”.

– “Thế thì tiếc quá anh nhỉ?”.

– “Vì nhiệm vụ nên phải vậy thôi”.

Cuộc hội thoại diễn ra chóng vánh. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cúp máy rồi tiếp tục băng rừng cùng đoàn cứu hộ vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để cứu các công nhân gặp nạn.

Đại tá Vĩnh đã quen với hình ảnh người đồng đội của mình xông pha vào điểm nóng, ngồi chênh vênh trên chiếc canô nhỏ tí ti đi qua hết cơn lũ này đến đợt bão khác của miền Trung.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man vừa là thủ trưởng cấp trên nhưng cũng là đồng đội gắn bó với đại tá Vĩnh. Hai người đã có gần 5 năm (2015-2019) song hành trên hai cương vị Chỉ huy trưởng và Chính ủy tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình.

“Tôi mới gặp anh Man hôm 11/10 tại TP Vinh khi đến dự buổi gặp mặt 75 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Quân khu 4”, ông Vĩnh nhớ lại.

Trong cuộc gặp, đại tá Vĩnh nhắc về việc tỉnh Quảng Bình có mời thiếu tướng Man với tư cách nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình về dự đại hội thi đua yêu nước của tỉnh diễn ra vào sáng 13/10.

“Tướng Man nói anh ấy đi thực hiện nhiệm vụ trong đó (Thừa Thiên – Huế), nếu có điều kiện thì anh ấy sẽ ra dự đại hội với tỉnh”, đại tá Vĩnh nhớ lại.

Ngay chiều hôm đó, thiếu tướng Man có mặt tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, để chỉ huy lực lượng cứu hộ cứu nạn. Tối 12/10, ông cùng 20 cán bộ chiến sĩ băng rừng vào khu vực sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3.

Khoảng 0h ngày 13/10, khi cả đoàn đang nghỉ tại căn nhà của Trạm kiểm lâm số 7 (tiểu khu 67) thì ngọn đồi phía sau bất ngờ sạt xuống. 8 người may mắn chạy thoát khỏi căn nhà. 13 người mất tích dưới lớp đất đá.

Trưa 13/10, tin về Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man và 12 người bị mất tích khi tham gia cứu hộ các công nhân thủy điện Rào Trăng 3 được phát đi.

Nhìn hình ảnh trạm kiểm lâm số 7 bị đất đá san bằng hoàn toàn, ông Vĩnh thốt lên “quá khủng khiếp”. “Anh em ở Bộ chỉ huy vẫn hy vọng, dù rất mong manh, là sẽ cứu được các đồng chí đồng đội của mình càng sớm càng tốt. Mong sao điều may mắn sẽ đến”, vị đại tá chia sẻ.

Các thiết bị cần thiết vẫn đang được chi việc vào hiện trường.

Người chỉ huy đi hết trận lũ này đến đợt bão khác

Từ khi biết tin thủ trưởng Man gặp nạn, không khí tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình trầm lắng hẳn, mọi người cứ nhìn nhau, ai cũng buồn. Một số cán bộ đã tập trung tại nhà riêng của tướng Man ở TP Đồng Hới để động viên tư tưởng, trấn an vợ con của ông.

Vợ chồng tướng Man có 3 người con. Cô con gái cả vừa tốt nghiệp đại học, con gái thứ 2 đang học cấp 3 và con trai út đang học lớp 7. Từ khi nhậm chức Phó tư lệnh Quân khu 4, vị tướng càng ít có thời gian về thăm nhà.

Nói về quyết định hành quân ngay trong đêm của thiếu tướng Man và các đồng đội, ông Vĩnh gọi đó là quyết định rất táo bạo và rất vì dân.

“Khi nghe thông tin người dân bị nạn như thế mà mình không đi được thì trong lòng rất không yên. Tinh thần của người lính thôi thúc mình phải hành quân ngay, dù là đêm tối. Có lẽ suy nghĩ của anh Man lúc đó cũng như vậy, muốn đến được với người bị nạn càng sớm càng tốt”, đại tá Vĩnh chia sẻ.

Thời còn công tác tại Quảng Bình, Thiếu tướng Man được đánh giá là con người rất xông xáo, lo lắng và trách nhiệm với người dân vùng lũ. Ông vừa chỉ đạo chung, vừa trực tiếp đến những chỗ nguy hiểm. Đặc biệt vùng rốn lũ Tân Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) là nơi tướng Man nhiều lần về kiểm tra, chỉ huy bộ đội ứng cứu bà con gặp nạn.

Đại tá Lê Văn Vỹ, người kế nhiệm chức chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình từ tướng Man, nhớ về ông như một người chỉ huy luôn có mặt trong bão lũ, trực tiếp nhận những phần việc khó khăn nhất về mình.

“Trong đợt lũ năm 2016, anh Man đang dự lớp bồi dưỡng chính trị ở Hà Nội nhưng đã tạm hoãn việc học để về Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo ứng phó mưa lũ”, ông Vỹ nhớ lại.

Trận lũ lụt năm đó làm chết nhiều người. Thiếu tướng Man trực tiếp đến những địa bàn hiểm yếu nhất để chỉ huy bộ đội cứu dân.

Trong công việc, thiếu tướng Nguyễn Văn Man là người chỉ huy rất quyết đoán, giải quyết công việc rất hài hòa. Trong đời sống, ông luôn chia sẻ, quan tâm đến cán bộ chiến sĩ cấp dưới, đặc biệt là những trường hợp, hoàn cảnh khó khăn. Ông hay xuống cơ sở để nắm bắt những khó khăn trong ăn ở, sinh hoạt của chiến sĩ để có biện pháp giúp đỡ.

“Chính nhờ những đức tính đó mà cấp trên đã phát hiện và đề đạt bổ nhiệm anh ấy lên làm Phó tư lệnh Quân khu”, đại tá Vĩnh chia sẻ.

Đọc nhiều