419
category
388698

Thiên hùng ca bất diệt Ngày 30/4/1975 không dành cho những kẻ phá hoại tương lai

Đinh Lực 27/04/2020 11:21

Trước hết, xin khẳng định rằng Ngày Chiến thắng 30/4/1975 – Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Chứ không phải là ngày để ở đâu đó lại xuất hiện những lời lẽ, giọng điệu lạc lõng, xuyên tạc, bịa đặt và phủ nhận về ngày chiến thắng lịch sử vẻ vang này của cả dân tộc Việt Nam.

Xét cho cùng Việt Tân vẫn mãi phá hoại tương lai

Trên trang Facebook khủng bố, phản động Việt Tân đã có bài viết: “45 NĂM VẪN BẤT CÔNG – VIỆT NAM PHẢI THAY ĐỔI”. Một bài viết chứa đựng nội dung hận thù, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước nhằm kích động biểu tình, bạo loạn giữa thời điểm tháng 4 ngày hoà bình, thống nhất lại về.

“Sau 45 năm chấm dứt chiến tranh, vẫn còn bị xếp vào nhóm các quốc gia nghèo, các quốc gia không có tự do, vẫn chưa thể phát huy tiềm năng để phát triển thành một quốc gia văn minh thịnh vượng”. – trang phản động Việt Tân viết

Bài viết xuyên tạc của Việt Tân nhằm khơi gợi sự hận thù

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ thời đại dựng nước và giữ nước đến quá trình phát triển đất nước hôm nay, dân tộc ta luôn có khát vọng vươn lên “sánh vai với cường quốc năm châu”, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kể từ khi tiến hành đổi mới vào năm 1986, Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã vươn lên thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp với một nền kinh tế thị trường năng động từng bước hiện đại, hội nhập quốc tế.

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc năm 2018, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng liên tục trong 27 năm qua với điểm số tiệm cận nhóm nước có chỉ số phát triển con người cao.

Trong bối cảnh hiện nay, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều cả về qui mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, cơ hội dân số vàng…

Lấy ví dụ kết quả phát triển năm 2019 của Việt Nam, tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%.

Tầm nhìn Việt Nam đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của nước ta kỳ vọng sẽ đạt khoảng 8000 USD (nếu tính theo sức mua tương đương khoảng 15000 USD, PPP), và đến năm 2045 đạt khoảng 20.000 USD, tiến tới một xã hội thịnh vượng, trong đó tầng lớp trung lưu tăng nhanh, chiếm trên 60% dân số.

Tầm nhìn Việt nam đến 2045 là trở thành quốc gia phát triển, thuộc nhóm các nước có thu nhập cao, trở thành thành viên của tổ chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Khi Việt Nam vừa qua vừa có những bước đầu thành công trong phòng chống dịch Covid-19, khi toàn dân đoàn kết chung lòng với Đảng, Nhà nước. Nhưng ở thời điểm tháng 4, có những tổ chức của chế độ Việt Nam cộng hoà cũ đang sống lưu vong ở nước ngoài vẫn lại giở giọng điệu xuyên tạc với động cơ chính trị hết sức thâm độc.

Việt Nam đang là quốc gia thuộc nhóm đang phát triển

Nhìn chung mà nói thì dường như trong suốt 45 năm qua họ vẫn không đại diện cho ý chí và quyền lợi chung của dân tộc Việt Nam. Những con người vẫn giữ lòng thâm thù của lịch sử để lại và truyền đi tư tưởng đó với những điều không tốt đẹp về đồng bào mình.

Việt Tân – một tổ chức phản động, khủng bố trong nhiều năm qua vẫn rêu rao đòi đa đảng, đa nguyên chính trị thông qua cái vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền” và cái mác “yêu nước” vô danh.

Thế mà đáng tiếc, đã 45 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc được thống nhất. Mà tổ chức phản động Việt Tân vẫn không tỉnh ngộ, có những ý kiến sai lệch, xuyên tạc lịch sử. Bài viết trên trang cá nhân của tổ chức này chẳng những đi ngược tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Mà thậm chí họ còn đang khoét sâu những vết thương bởi mù quáng và bạo tàn. Hành động của tổ chức này xét cho cùng cũng chính là sự phá hoại tương lai…

Hoà hợp dân tộc – sợi chỉ đỏ trải dài lịch sử dân tộc

Đã 45 năm “dân tộc Việt Nam là một, núi có thể cạn, sông có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Dòng chảy lịch sử của 45 năm đã trôi qua nhưng dư âm về Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước vẫn là một thiên anh hùng ca bất diệt, còn vang mãi trong ký ức của biết bao nhiêu người con đất Việt.

Không phải đến tận sau ngày 30/4/1975, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc mới được đặt ra.
Trước đó, năm 1972, khi về thăm Vĩnh Linh – Quảng Trị, trong bữa cơm với đồng bào đồng chí, đồng chí Lê Duẩn đã đặt câu hỏi sau khi thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất? Mỗi người trong bữa cơm trả lời một ý nhưng đồng chí Lê Duẩn nói rằng: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc”. Như vậy, có thể thấy hòa hợp dân tộc đã được người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhận thức, trăn trở từ trước ngày toàn thắng.

Trong bài thơ Việt Nam – máu và hoa viết năm 1973, nhà thơ Tố Hữu viết có đoạn phần nào nói lên khát vọng hòa hợp dân tộc: “Ta lại về ta, những đứa con/Máu hòa trong máu, đỏ như son/Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi/Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!”.

Nhìn lại sự kiện này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá: “Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng Miền Nam, không hề có “tắm máu” chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa”.

Tư tưởng khoan dung, hòa bình, hòa hiếu là truyền thống nhân văn ngàn năm lịch sử của nhân dân Việt Nam. Truyền thống xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại, là hòa bình, hòa hiếu và chính nghĩa.

Trong lịch sử tại cuốn Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết: “ Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động” (1). Phan Huy Chú đã đúc kết từ trong lịch sử: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”(2). Đối với nhân dân: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước” (Trần Hưng Đạo).

Ðại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Ðến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện, con của Tĩnh Quốc, thì đổi làm họ Mai. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy”.

Không ai có thể xuyên tạc về giá trị đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam

Ngày 31/5/1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Nhân dịp Giáng sinh năm 1950, Người gửi thư cho tù binh Pháp với lời nhắn nhủ: “ Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống các bạn được tốt hơn”

Hơn 4.000 năm lịch sử của dân tộc Việt Nam ta, việc dựng nước và giữ nước có thể đảm bảo trong suốt trừng đó thời gian, trải qua bao thăng trầm của dân tộc nói chung thì đều có sự đóng góp từ lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.

Cuối bài, xin bình lại ý “VIỆT NAM PHẢI THAY ĐỔI” của tổ chức phản động Việt Tân, đúng là Việt Nam đã và đang thay đổi, Việt Nam quốc gia đang phát triển và không ngừng phát triển vì mục tiêu: “dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh”.

Nhưng kết quả đó sẽ không có chung lợi ích, nếu những kẻ phản động như Việt Tân vẫn ngày đêm lợi dụng lịch sử dân tộc để xuyên tạc, thực hiện vì mục tiêu và âm mưu của mình.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều