Thị trường vàng: Giải pháp ngắn hạn không thể giải quyết bài toán dài hạn!
Đấu thầu vàng miếng cần được ghi nhận là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc ổn định thị trường vàng trong nước, tăng nguồn cung vàng ngoài việc bình ổn thị trường (không bình ổn giá) còn là thể hiện sự lắng nghe mong muốn của người dân trong việc sở hữu vàng như là một kênh đầu tư tiết kiệm. Thế nhưng, phải nhìn nhận đúng bản chất, việc đấu thầu vàng miếng chỉ nên là biện pháp ngắn hạn nhằm giải quyết “cơn khát” trong thời gian ngắn.
Nghịch lý đấu thầu vàng
Nhằm can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và thế giới chênh lệch ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai các phiên đấu thầu bán vàng. Cần phải nói ngay, việc đấu thầu vàng miếng, hay nói đúng là cung cấp lượng vàng miếng ra thị trường, có phần đi ngược lại định hướng chiến lược là giảm lượng vàng miếng trong dân và xa hơn là tránh việc “vàng hóa” thị trường tiền tệ.
Trong 3 phiên gọi đấu thầu bán vàng vào các ngày 22/4, 23/4 và 25/4, chỉ duy nhất phiên 23/4 được tổ chức. Phiên đấu thầu đầu tiên theo kế hoạch tổ chức vào đầu tuần (22/4) nhưng không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định. NHNN cũng lên kế hoạch đấu thầu phiên 25/4 nhưng không thành công do chỉ có 1 thành viên tham gia.
Theo kết quả đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4, chỉ có 2 thành viên trúng thầu là SJC và ACB với tổng khối lượng trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất 81,33 triệu đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, cao hơn mức giá tham chiếu (80,7 triệu đồng/lượng) là 630.000 – 640.000 đồng/lượng. Như vậy, trong tổng số 16.800 lượng vàng được đưa ra đấu thầu, “ế” đến 80% tức tương đương 13.400 lượng vàng.
Về nguyên nhân “bị ế”, đã có nhiều cơ quan truyền thông và một số “chuyên gia vàng” đưa ra nhiều kiến giải cho lý do việc đấu thầu “bị ế”, thế nhưng, với quan điểm cá nhân của người viết, chưa thể đánh giá việc đấu thầu vàng miếng là “ế” hay không.
Thứ nhất, như đã trình bày, việc đấu thầu vàng miếng với mục đích là bình ổn thị trường vàng, tức giải quyết yếu tố mang tính “tâm lý” cho nhà đầu tư về việc NHNN đủ nguồn cung vàng ra thị trường nhằm thỏa mãn nhu cầu vàng của thị trường. Và việc này cơ bản là chống lại những “tay to” trên thị trường vàng hiện nay. Do đó không quá khó hiểu khi họ cũng đang áp dụng chiến thuật “bắt tay chờ đợi” việc đầu thấu vàng miếng không diễn ra như đúng kỳ vọng.
Thứ hai, có thể việc đấu thầu vàng miếng đến hiện tại không quá “đắt hàng” nhưng có thể ngay lập tức thấy được tính hiệu quả của việc “bình ổn” là giá vàng trong nước hiện nay đã bị kiềm lại phần nào đà tăng.
Thứ ba, hiện nay việc đấu thầu vàng miếng chỉ mới tổ chức lại sau hơn 10 năm, nên chắc chắn NHNN sẽ chủ động có những thay đổi phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản của những tổ chức tham gia đấu thầu. Với hiệu quả đấu thầu được ghi nhận từ những phiên đấu thầu diễn ra trước đây, hoàn toàn có thể kỳ vọng việc đấu thầu vàng miếng thời gian tới sẽ diễn ra suôn sẻ và nhận được sự phản hồi rõ rệt hơn từ thị trường.
Thế nhưng, về lâu dài, đây không phải giải pháp căn cơ, đủ sức “hạ nhiệt” thị trường cũng như đảm bảo thị trường vàng phát triển lành mạnh!
Cần giữ vững nguyên tắc không để “vàng hóa” nền kinh tế
Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng phi mã trong thời gian qua là do tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Mặt khác, lãi suất liên tục giảm, thị trường chứng khoán nhiều biến động, bất động sản trầm lắng, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng “chảy” sang kim loại quý…
Vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), song, vàng tăng giá mạnh sẽ tác động đến nền kinh tế. Vàng trong nước tăng giá mạnh, chắc chắn sẽ có hiện tượng đầu cơ, nhập lậu vàng và việc ảnh hưởng đến tỷ giá là điều không thể tránh khỏi.
Mặt khác, mỗi khi giá vàng tăng, về mặt tâm lý, vì lo lắng tiền đồng Việt Nam (VND) mất giá, một bộ phận người dân sẽ tìm cách mua bằng được vàng, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Do đó, tâm lý người dân cũng sẽ quy giá hàng hóa theo giá vàng và có thể giá các loại hàng hóa sẽ tăng theo…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “Giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội”, và trước những hệ lụy của vàng tăng giá quá cao, người đứng đầu Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế. “Không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn tiền tệ quốc gia”.
Thủ tướng cũng giao cơ quan này thực hiện thanh tra, kiểm tra thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá.
Đồng thời, rà soát toàn diện pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, trang sức. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện các nội dung trên trong tháng 3.
Ở một diễn biến khác, chiều ngày 20/3 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành về quản lý thị trường vàng, tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc này xuất phát từ thực tế, giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng tại Nghị quyết 24 là giải pháp quan trọng kiểm soát chặt nguồn cung. Nhưng từ 2014 đến nay, cơ quan này chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường và đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, thị trường vàng thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, giá trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, và Ngân hàng Nhà nước chưa có phản ứng phù hợp, giúp bình ổn thị trường này. Phải bắt đúng bệnh để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm Công điện 22/CĐ-TTg về quản lý thị trường vàng.
Hai ngày sau khi Công điện số 22/CĐ-TTg được ban hành, giá vàng trong nước đã giảm. Như vậy, có thể tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự chủ động vào cuộc của các cơ quan chức năng, thị trường vàng sẽ được kiểm soát và không gây ra những hệ lụy xấu đối với nền kinh tế. Khi niềm tin vào tiền VND được củng cố, thay vì “găm vàng” tích trữ, người dân sẽ chuyển dòng tiền vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững.
Trước đó, ngày 27/12/2023 Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Người dân “găm vàng” nhiều thì ít tiền lưu thông, kinh tế không phát triển được. Vì vậy, trong Công điện số 1426/CĐ-TTg, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu: “Dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”.
Việc cần làm ngay là, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm công điện; khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao… Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng, mà Đảng và Nhà nước ta gọi là “nhóm lợi ích”.
Đáng chú ý, tính từ tháng 6/2023 đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Như vậy, “thông điệp” của Chính phủ, của Người đứng đầu Chính phủ đã rõ, đó là dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Theo đó sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng, các “nhóm lợi ích” này liên minh với nhau để thao túng thị trường, tạo ra cung – cầu “ảo” và những “cơn sốt” vàng nhằm trục lợi bất chính, gây tâm lý bất ổn trong Nhân dân và ảnh hưởng xấu đến chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước.
Có thể nói, đây là giải pháp chính sách đúng đắn, phù hợp với thức tiễn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc đã bị thực tiễn vượt qua.
Thành An